Biểu hiện của trẻ mắc bệnh tiêu chảy
– Trẻ bị tiêu chảy thường có những dấu hiệu sớm như ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn. Những biểu hiện này kéo dài 3 – 6 giờ trước khi tiêu chảy.
– Trẻ tiêu chảy phân lỏng toé nước, hoặc phân nước có máu, phân nhày lẫn máu. Trẻ đau bụng, nôn. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, điều quan trọng là phải theo dõi để phát hiện các dấu hiệu mất nước và mất muối.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Các dấu hiệu cần được theo dõi:
– Khi chưa mất nước: Trẻ tỉnh táo, vui vẻ bình thường và không khát nước. Da trẻ mịn màng.
– Khi bắt đầu mất nước: Trẻ quấy khóc, khát nước. Mắt trẻ trũng, thóp lõm, da nhăn và khóc không có nước mắt.
– Khi mất nước nặng: Trẻ ngủ li bì hoặc bị hôn mê. Trẻ không uống được. Kèm theo đó là da nhăn nheo, thóp lõm, và chân tay lạnh.
Ngoài ra khi trẻ bị tiêu chảy cấp có thể sẽ bị chướng bụng do bị mất nước và muối (Natri, Kali).
Cách chăm sóc
Bù nước
– Khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên là phải bù ngay lượng nước đã mất, cần cho trẻ uống bù nước tốt nhất là uống Oresol (pha theo đúng chỉ định trên bao bì, 1 gói pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội).
– Cho trẻ uống từ từ từng muỗng một uống cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ trẻ không uống hết lít dung dịch đã pha thì bỏ đi pha gói mới.
– Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn cháo muối loãng. Cháo muối có tác dụng tương tự như uống Oresol, phải cho trẻ ăn cả nước lẫn cái và chỉ xem đó là biện pháp bù lại lượng nước đã mất chứ không xem là một bữa ăn.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Dinh dưỡng
– Đối với trẻ nhỏ, đang bú mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường, tăng số lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ thì pha loãng ½ sữa bò với nước cháo cà rốt. Nếu trẻ đã ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn bột hoặc cháo nấu với thịt lợn, thịt gà , dầu thực vật.
– Nên nấu loãng hơn bình thường, cho trẻ ăn nhiều lần và từng ít một. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như chuối, cam, xoài, vv… để cung cấp thêm Kali.
– Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường và cho ăn thêm mỗi ngày 1 bữa kéo dài trong 2 tuần sau khi ngừng tiêu chảy.
– Tránh dùng các loại thực phẩm ít chất dinh dưỡng, nhiều chất xơ và khó tiêu hóa (măng, rau cần, ngô, đỗ nguyên hạt,…). Hạn chế ăn đồ chứa nhiều lactose, đồ ngọt, nhiều đường (bánh, kẹo) hay nước ngọt có ga.
Truyền dịch
– Ở mức độ tiêu chảy cấp mất nước nặng, việc cấp thiết nhất là bù ngay lượng nước cho cơ thể trẻ, nếu trẻ không uống được thì bù nước bằng cách cho truyền tĩnh mạch và khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.
– Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo các biểu hiện như: Mất nước, mắt hõm sâu, tiểu tiện ít, không muốn ăn, nôn nhiều lần… tốt nhất nên đưa đến viện để khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý: Khi trẻ bị tiêu chảy tránh không cho uống thuốc kháng sinh (chỉ dùng khi có hội chứng lỵ phân có máu mũi hoặc có dịch tả), thuốc cầm ỉa và thuốc chống nôn khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Phòng bệnh
– Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho ăn thêm sau 6 tháng: sữa mẹ bảo đảm vệ sinh, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, có chứa kháng thể tăng cường miễn dịch mà chi phí lại thấp.
– Cho trẻ ăn dặm sau 6 tháng với thức ăn đủ dinh dưỡng và hợp lý.
– Vệ sinh ăn uống như: Ăn chín, uống nước đun sôi, sử dụng nguồn nước sạch. Vệ sinh dụng cụ ăn uống của trẻ như: bình sữa, núm vú, bát, đĩa, cốc, thìa ăn. Vệ sinh môi trường như: diệt ruồi, nhặng, sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh,…
– Vệ sinh khi chăm sóc trẻ: Rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, khi pha chế thức ăn cho trẻ, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã lót cho trẻ.
– Vệ sinh cho trẻ: Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ, với trẻ lớn thì cần rửa tay cho trẻ trước khi ăn, không cho trẻ chơi ở những nơi ô nhiễm không đảm bảo vệ sinh.
– Xử lý đúng cách phân của trẻ bị tiêu chảy.
– Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là tiêm phòng sởi vì khi trẻ mắc bệnh sởi hoặc sau khi khỏi bệnh dễ mắc tiêu chảy và lỵ.
Tiêu chảy là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ làm rối loạn các chất khoáng trong cơ thể mà hậu quả là các hoạt động của các cơ quan sẽ bị rối loạn.Nếu tiêu chảy kéo dài sẽ dễ đưa đến suy dinh dưỡng, một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy, góp phần làm tử vong dễ xảy ra. Cha mẹ hoàn toàn có thể chăm sóc trẻ ở nhà, nếu trẻ được chăm sóc tốt và đúng cách trẻ sẽ hồi phục nhanh
Cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy.
Theo NTD