Nguyên nhân suy dinh dưỡng
– Do chế độ ăn uống không hợp lý, có thể do trẻ thiếu ăn nhưng cũng có thể do trẻ ăn nhiều quá đến mức không tiêu hóa được, rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc chế độ ăn uống thiếu cân đối giữa các thành phần chất dinh dưỡng. Hoặc cũng có thể do trẻ ăn dặm quá sớm gây rối loạn hấp thụ.
– Do bị bệnh nhiễm khuẩn kéo dài, đặc biệt là lao, sâu răng, viêm tai…
– Do các dị tật bẩm sinh: sứt môi, hở hàm ếch, phì đại môn vị, phình đại tràng…
Chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
– Trẻ chán ăn do một số nguyên nhân: bất hòa của cha mẹ, thiếu gắn bó trong quan hệ mẹ – con, cha – con, do vắng cha hoặc mẹ trong thời gian dài, hoặc cha mẹ bận bịu, giao con cho người giúp việc…
Biểu hiện suy dinh dưỡng
Nếu nhìn vào biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao, trẻ có mức phát triển dưới đường vẽ đứt phía dưới là trẻ suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ thường biểu hiện dưới ba hình thái như sau:
Thể teo đét: Trẻ gầy còm, da nhăn nheo, cân nặng dưới mức trung bình, nhìn trên biểu đồ sẽ thấy đường phát triển cân nặng của trẻ ở dưới đường vẽ đứt nét phía dưới. Thể teo đét thường được chia làm ba độ như sau:
– Suy dinh dưỡng độ 1: Cân nặng giảm từ 10-15% so với mức độ phát triển cân nặng trung bình. Trên biểu đồ phát triển cân nặng, đường phát triển của trẻ nằm trong kênh B
– Suy dinh dưỡng độ 2: Trẻ gầy rất rõ, cân nặng giảm từ 15-30% so với mức độ phát triển cân nặng trung bình. Lớp mỡ dưới da còn rất mỏng. Trên biểu đồ phát triển cân nặng, đường phát triển của trẻ nằm trong kênh C.
Nếu nhìn vào biểu đồ phát triển cân nặng và chiều cao, trẻ có mức phát triển dưới đường vẽ đứt phía dưới là trẻ suy dinh dưỡng (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
– Suy dinh dưỡng độ 3: Trẻ gầy đét, da nhăn nheo, lớp mỡ dưới da không còn, cân nặng giảm trên 30% so với mức độ trung bình. Trên biểu đồ phát triển cân nặng, đường phát triển của trẻ nằm trong kênh D
Thể phù: Nguyên nhân suy dinh dưỡng thể phù là do trẻ thiếu chất đạm trầm trọng. Biểu hiện bằng cân nặng suy giảm, phù toàn thân, trên da thường có những mảng da bị biến màu thành nâu sẫm, có thể có các vết loét nếu đã bị lâu. Trẻ lờ đờ, mệt mỏi, có thể rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng nhiều ngày.
Thể phối hợp: Phối hợp giữa suy dinh dưỡng thể teo đét và thể phù.
Cách chữa trị
– Với những trẻ bị suy dinh dưỡng từ độ 2 trở lên và suy dinh dưỡng thể phù, người mẹ nhất thiết cần đem trẻ đến bệnh viện để khám và có hướng điều trị tốt. Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 nên chữa trị tại nhà theo lời khuyên của bác sĩ.
– Chữa trị các bệnh cơ thể nếu có
– Điều chỉnh chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi trẻ, cân đối các thức ăn theo tháp dinh dưỡng.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ nếu trẻ còn bú mẹ
– Tăng lượng thức ăn lên dần dần, không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong cùng lúc, đặc biệt những ngày đầu
– Có thể cho thêm sữa vào nấu bột hoặc cháo, cho trẻ ăn thêm sữa chua và một số thức ăn giàu chất dinh dưỡng như váng sữa hoặc sữa dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng.
– Cho trẻ dùng men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài
– Có thể hỏi ý kiến của thầy thuốc để cho trẻ uống thêm vitamin tổng hợp mỗi ngày trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng
– Xoa người nhẹ nhàng cho trẻ giúp lưu thông tốt
– Cha mẹ gần gũi quan tâm con cái, tạo không khí vui vẻ trong gia đình
– Thời gian đầu điều trị, bạn nên cân bé hàng tuần. Về sau, bạn có thể cân bé 2 tuần/lần, rồi 1 lần/tháng để theo dõi cân nặng của bé. Nếu thấy tình hình tiến triển không tốt, bạn cần cho bé đi khám lại để bác sĩ có thể thay đổi khẩu phần và hướng dẫn thêm cách thức cho bé ăn uống.
Theo NTD