Tác nhân gây bệnh: là trực khuẩn Shigella, thuộc họ Enterobacteriae (vi khuẩn đường ruột) là trực khuẩn gram (-), nhỏ, dài 1-3 mm, không có bao, không tạo bào tử, không di động, ái khí, có thể kỵ khí, mọc dễ dàng ở môi trường thạch lỏng 37oC.
Người là nguồn bệnh độc nhất, do những người mắc bệnh thể cấp, thể mạn tính và người lành mang vi khuẩn.
Phương thức lây truyền
Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường phân – miệng, gián tiếp hay trực tiếp. Bệnh dễ lan truyền qua tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ trong cùng nhóm trẻ, cùng gia đình hay qua trung gian như đồ chơi, tay nắm cửa nhà vệ sinh, van vòi nước. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua ruồi nhặng, thức ăn, nước uống.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Trực khuẩn lỵ từ miệng qua dạ dày, tại đây một số bị diệt bởi dịch vị, số còn lại qua ruột non đến ruột già bám dính vào niêm mạc, xâm nhập qua niêm mạc và gây bệnh. Trẻ em nhất là trẻ suy dinh dưỡng nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh
Thời kỳ ủ bệnh từ 12 đến 96 giờ.
Thời kỳ toàn phát
Hội chứng lỵ: phân nhày máu, nhiều lần, lượng phân càng về sau càng ít dần. Trường hợp nặng có thể đến 20 – 40 lần đi đại tiện/ngày. Bệnh nhân mót rặn nhiều, ngày càng tăng, kèm theo đau quặn bụng trước khi đại tiện.
Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt cao 39- 40 độ, kèm ớn lạnh, mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn hoặc nôn, có thể có co giật do sốt cao, hoặc do nhiễm độc thần kinh. Thể trạng suy sụp nhanh chóng, mệt mỏi hốc hác, môi khô, lưỡi vàng nâu.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Điều trị
Trẻ bị bệnh lỵ trực khuẩn phải được cách ly tại nhà, tại bệnh xá hoặc bệnh viện suốt thời gian bệnh cấp; dụng cụ, bát đĩa, cốc chén … đều phải dùng riêng. Tất cả các dụng cụ, đồ dùng cá nhân của trẻ cần được khử khuẩn theo đúng nguyên tắc khử trùng, hướng dẫn của nhân viên y tế. Người phục vụ, tiếp xúc với bệnh nhân phải ngâm tay trong dung dịch Cloramin 1-2%.
Dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sỹ.
Bồi phụ nước và điện giải: Cần được thực hiện như các trường hợp tiêu chảy khác với dung dịch oresol (ORS) hoặc dịch truyền nếu mất nước điện giải nặng.
Chế độ ăn: Đối với trẻ còn bú, vẫn cho bú như thường lệ, không giảm số lần, số lượng sữa mẹ ngay từ ngày đầu. Với trẻ đang bú sữa bằng chai, phải làm vệ sinh tốt các dụng cụ như bình đựng, vú sữa; đảm bảo chất lượng sữa pha chế, ngay từ ngày đầu, không hạn chế số lần uống, số lượng sữa.
Với trẻ lớn, trong vài ngày đầu dùng cháo, đặc hoặc loãng, nấu với bột thịt, cá. Từ ngày thứ ba, thứ tư ăn cháo đặc với thịt, trứng, khoai tây nghiền, sữa chua, chuối quả, sau đó ăn cơm nát, thịt nạc luộc, nước hoa quả. Tránh thức ăn nhiều bã, thảo mộc khô.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Phòng bệnh
Để phòng lỵ ở trẻ em, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ cần được chú trọng hàng đầu như: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đối với trẻ còn bú mẹ cần chú ý vệ sinh núm vú trước khi cho trẻ bú, giữ cho tay trẻ luôn được sạch sẽ, cắt ngắn móng tay.
Không phóng uế bừa bãi; cắt đường lây truyền trung gian gây bệnh (diệt ruồi, nhặng); nếu bị bệnh, cần được điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ và cần được cách ly 10 – 15 ngày.
Vệ sinh thức ăn, nước uống: ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn tốt.
Giữ gìn vệ sinh môi trường nhà ở, thường xuyên lau nhà bằng nước có chất sát khuẩn, vệ sinh đồ chơi của trẻ thường xuyên.
Lỵ là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính gây tổn thương ruột già và đoạn cuối ruột non. Khác với người lớn, lỵ ở trẻ em có diễn biến cấp tính và thường rất nặng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa hè và mùa mưa lũ. Bệnh có nguy cơ lây cao ở những vùng không được dùng nguồn nước sạch và ở trẻ em do chưa có ý thức về vệ sinh. Do đó cha mẹ cần chú trọng trong việc chăm sóc vệ sinh nhà ở, ăn uống và vệ sinh cá nhân cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với những nguồn lây để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Theo NTD