Có người còn phải “dấm dúi” giấu tiền biết Tết nhà ngoại bởi trót lấy phải ông chồng keo kiệt.
Không phải cặp vợ chồng nào cũng đồng thuận trong chuyện biếu Tết bên nội, bên ngoại (ảnh minh họa)
Tết đem về niềm vui sum họp nhưng cũng mang đến lắm nỗi lo toan: sắm quà, lo cỗ, chuẩn bị lì xì, phân chia thời gian về quê nội, quê ngoại… Mỗi một việc chỉ cần không “thuận vợ thuận chồng” là xung đột.
Biếu quà Tết bên nội, bên ngoại cũng là chuyện dễ gây chia rẽ vợ chồng. Nhiều người vợ chỉ biết ngậm ngùi cay đắng khi chồng không chịu biếu Tết hai bên bằng nhau, nhiều người gặp cảnh đó thì sẵn sàng “chiến đấu” đòi lại công bằng và cuối cùng thì mất Tết. Những câu chuyện xoay quanh cái gọi là “biếu Tết” ấy vẫn khiến chị em than ngắn thở dài trong dịp Tết cận kề.
Hy sinh công việc để ở nhà chăm con, chị Đ.H (Hà Nội) tự nhận mình là phận ăn bám, mọi chuyện trong nhà đều do chồng quyết định, bao gồm cả việc ăn Tết to hay nhỏ, ở nhà nội hay về nhà ngoại… Riêng chuyện biếu Tết hai bên chị càng không được can thiệp.
Năm đầu tiên ở nhà trông con, chị nghe chồng nói sẽ biếu Tết bên ngoại 2 triệu, còn nhà nội không đề cập đến. Mãi sau này chị mới biết, chồng biếu bố mẹ đẻ 10 triệu, chưa kể tiền gửi ông bà sắm Tết. Phận ăn bám chẳng dám dòi hỏi công bằng nhưng chị không khỏi chạnh lòng.
Năm nay, chị vẫn chưa thể tự chủ kinh tế nên xác định trước chuyện chồng biếu Tết theo kiểu “bên trọng bên khinh”. Nào ngờ, đề nghị của chồng khiến chị không chỉ chạnh lòng mà còn thấy bị tổn thương.
Có người phụ nữ tổn thương vì chồng “trọng nội khinh ngoại” (ảnh minh họa)
“Anh ấy bảo đưa ông bà ngoại 3 triệu, còn ông bà nội 10 triệu cộng với bánh kẹo Tết. Thôi cũng đành, ít nhất ông bà ngoại vẫn có quà. Thế nhưng, chồng mình còn bảo: “Cho ông bà ngoại thế có nhiều không?”. Chẳng lẽ mình bảo anh ấy giữ lại luôn mà tiêu, khỏi cần biếu ngoại”, chị H. bức xúc.
Chị không tiếc tiền biếu bố mẹ chồng mà chỉ mong bố mẹ mình cũng được nhận quà như thế. Có điều ngay cả tiền bỉm sữa cho con chị còn phải ngửa tay xin chồng thì việc này chẳng thể nào quyết định.
Cùng cảnh ngộ nên chị Minh Ngọc (Hà Nội) hiểu rõ cảm giác tổn thương khi thấy chồng “trọng nội, khinh ngoại”. Tuy nhiên, chị không cam chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà chia sẻ thẳng thắn suy nghĩ của chồng.
Ngay từ cái Tết đầu tiên về một nhà, chồng chị đã tỏ rõ tư tưởng “xuất giá tòng phu”, ăn Tết bên nội đến mùng 3 mới về nhà ngoại. Chị không phản đối, trước Tết tranh thủ về nhà đẻ lễ lạt rồi cả Tết lo toan công việc nhà chồng.
Thế nhưng đến lúc bàn chuyện biếu Tết chị mới không kiềm chế được mà cự cãi. Chồng chị bàn bạc Tết về quê biết ông bà nội 5 triệu cộng với chiếc tủ lạnh và máy giặt. Chị vui vẻ đồng ý, dù trước đó đã gửi về cho ông bà nội thừa tiền sắm Tết.
Nhưng khi hỏi đến nhà ngoại, chị giật nảy mình khi thấy chồng thờ ơ bảo: “Thì mừng tuổi cho ông bà mỗi người 500.000 lấy may với chai rượu Tết”.
“Tôi hỏi chồng coi bố mẹ vợ là gì mà bên nặng bên nhẹ như thế. Anh ấy nóng mắt bảo “Chẳng lẽ anh phải đem cả chục triệu về ngoại ăn Tết?” và nhắc tôi lấy chồng rồi phải tập trung mà lo nhà chồng. Tôi tuyên bố: “Được, tấm lòng anh thế em thay bố mẹ nhận. Còn lại, em biếu ông bà ngoại bao nhiêu anh khỏi cần quản. Thế là hai vợ chồng căng thẳng suốt cả cái Tết”, chị Ngọc nhớ lại.
Đó cũng là lần đầu chị nhận ra lối ứng xử không ổn của chồng, khoảng cách giữa hai người cũng nảy sinh từ đó.
Xung quanh chuyện biếu Tết nội ngoại cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, bố mẹ hai bên quan trọng như nhau nên biếu công bằng là hợp lý. Nhưng cũng có người cho rằng, nên tùy vào hoàn cảnh gia đình từng bên để biếu Tết.
Chị Lê Nguyệt chia sẻ: “Mỗi người một quan điểm nhưng mình nghĩ không nhất thiết phải biếu Tết công bằng, nhà nội thế nào nhà ngoại thế nấy. Ví dụ như nhà mình, nhà ngoại có điều kiện hơn nên Tết chỉ mừng tuổi ông bà lấy thảo, nhà nội khó khăn hơn nên năm nào cũng cho ông bà tiền sắm Tết”.
Chị Huyền Trang cũng cùng quan điểm: “Nhà mình đây, ông bà ngoại đông con nên về già nghèo khó, năm nào chồng mình cũng bảo biếu ông bà đủ tiền ăn Tết, còn nhà nội thì giàu có rồi nên chỉ mừng tuổi lấy may thôi. Ông bà nội cũng dặn con cháu không phải vẽ chuyện nên mình cũng yên tâm. Hay do mình số đỏ, lấy được chồng tâm lý nên nghĩ đơn giản thế”.
Theo Thanh Thanh (Dân Việt)