Viêm não Nhật Bản ở trẻ – Nguyên nhân và triệu chứng.

0
53
Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra, là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao. Bệnh có thể xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng vào các tháng của mùa hè, tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt tăng cao. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh). Vào thời điểm hiện nay, ở khu vực miền Bắc, thời tiết hè thu nắng nóng kéo dài, nhiều khu vực trồng nhiều nhãn, vải được mùa nên chim chóc thường về ăn, trở thành ổ virus gây bệnh tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát.

 

Tại sao lại gọi là bệnh viêm não Nhật Bản?

 

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao. Năm 1935 các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra căn nguyên bệnh là một loài vi rút từ đó đặt tên là vi rút viêm não Nhật Bản.

 

Nguyên nhân gây viêm não Nhật Bản

 

Virút viêm não Nhật Bản thuộc họ Togaviridae trong nhóm B của các Flavivirus. Virút này có hình thái là hình cầu, nhân chứa ribonucleic acid (RNA), kích thước 45 – 50nm, bao quanh bởi cấu trúc hình khối gọi là capsid, phần vỏ giàu chất lipid.

 

Năm 1938 cũng các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra vector truyền bệnh viêm não Nhật Bản là loài muỗi Culex tritaeniorhynchus, và sau đó vào tìm ra vật chủ và ổ chứa chính của vi rút viêm não Nhật Bản là lợn và một số loài chim.

 

viêm não nhật bản, lây nhiễm, sốt, đau đầu, nôn, co giật, di chứng thần kinh, tiêm phòng

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Khởi đầu từ các ổ chứa virus mà lợn là động vật đóng vai trò chính. Sau khi hút máu động vật có nhiễm vi rút, muỗi tìm nơi trú ẩn tiêu máu. Vi rút nhân lên trong cơ thể muỗi trong vài ngày (tối đa 14 ngày) thì đủ khả năng truyền bệnh sang người. Muỗi cái bị nhiễm virut Viêm não Nhật Bản có khả năng truyền bệnh suốt đời, và có thể truyền virut sang thế hệ sau qua trứng. Virut thường phát triển nhanh trong cơ thể muỗi ở 270C–300C. Nếu dưới 200C thì sự phát triển của virut dừng lại. Đó cũng là lý do tại sao bệnh thường xảy ra vào các tháng mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9 và đỉnh cao là vào tháng 6, tháng 7.

 

Ngày nay người ta đã phát hiện được virút viêm não Nhật Bản ở 30 loài muỗi khác nhau thuộc 5 họ Culex, Anopheles, Aedes, Mansoni va Amergeres, trong đó có 2 loại C. Tritae, C. vishnui là vật chủ trung gian có khả năng truyền bệnh cao. Muỗi Culex Tritaeniorhynchus là vật chủ trung gian chính lan truyền virút viêm não Nhật Bản tại Việt Nam. Loài muỗi này sinh sản tại mương máng, đồng ruộng ngập nước và chập choạng tối sẽ bay đến nơi có người và súc vật sinh sống để hút máu.

 

viêm não nhật bản, lây nhiễm, sốt, đau đầu, nón, co giật, di chứng thần kinh, tiêm phòng

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Triệu chứng

 

Thời kỳ ủ bệnh: thời gian ủ bệnh trung bình một tuần, tối thiểu 5 ngày tối đa 15 ngày, thường ít có triệu chứng.

 

Giai đoạn khởi phát: Trung bình từ 1 – 4 ngày, ngắn nhất 12 giờ, với các hội chứng nhiễm trùng không điển hình: sốt, kèm rối loạn tiêu hóa, nôn, đau bụng, tiêu chảy, viêm long đường hô hấp, ho, chảy máu cam.

 

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài từ 1 đến 2 tuần, triệu chứng nổi bật trong giai đoạn toàn phát là những dấu hiệu ở màng não, não và rối loạn thần kinh thực vật. Đối với dấu hiệu màng não có 2 triệu chứng phổ biến là cứng gáy và dấu hiệu Kernig. Rối loạn vận động thể hiện trên nhiều mặt như co cứng cơ, co vặn, cơn quay mắt quay đầu, co giật, động cơn, run, liệt nửa người, mất vận động ngôn ngữ.

 

viêm não nhật bản, lây nhiễm, sốt, đau đầu, nôn, co giật, di chứng thần kinh, tiêm phòng

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

– Các triệu chứng thần kinh thực vật rất đa dạng và nặng nề: Nhiệt độ dao động khoảng 38 – 40 0C và nhiều khi sốt quá cao, xanh tái, rối loạn hô hấp, tăng tiết đờm dãi, nhịp tim nhanh, chướng bụng, nôn, bí đại tiểu tiện và ngừng hô hấp đột ngột. Các triệu chứng tâm thần chủ yếu là rối loạn ý thức với các mức độ khác nhau từ u ám, ngủ gà đến hôn mê sâu.

 

– Trong các trường hợp nặng tiến triển đến tử vong, thường thấy sốt trên 40 độ C kèm với các rối loạn thần kinh thực vật nặng nề. Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến thứ 8 của giai đoạn cấp. Với các bệnh nhi sống sót có thể để lại các di chứng thần kinh tâm thần.

 

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus viêm não Nhật Bản gây ra, là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong và di chứng cao. Thời điểm mùa hè thu nắng nóng, nhãn vải được mùa là điều kiện để virut viêm não Nhật Bản hoạt động và gây bệnh. Vì vậy các phụ huynh cần có biện pháp bảo vệ con em mình, tránh tiếp xúc với nguồn lây. Bên cạnh đó, nắm được các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh giúp phát hiện sớm tình trạng bệnh và có những biện pháp cấp cứu và điều trị sớm, hạn chế biến chứng nghiêm trọng. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Theo NTD

Viêm não Nhật Bản ở trẻ – Nguyên nhân và triệu chứng.

 

Theo NTD