Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non.

0
47
Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non (tên tiếng anh là retinopathy of prematurity hay viết tắt là ROP) ngày nay được biết đến như là một nguyên nhân gây mù lòa chính ở trẻ em. Nếu không được khám, phát hiện sớm từ tuần thứ ba hoặc thứ tư sau khi sinh và không được điều trị kịp thời, trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn

 

Bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là gì?

 

Vào tuần thứ 16 của thai kỳ, lớp trong cùng phía sau của mắt, gọi là võng mạc bắt đầu hình thành các mạch máu để cung cấp dưỡng chất và Oxy cho mắt. Theo thời gian, hệ thống mạch máu này dần dần phát triển ra phía trước, rồi phủ kín toàn bộ bề mặt của võng mạc. Quá trình này thường kết thúc vào cuối thai kỳ, khoảng tuần thứ 40.

 

Ở trẻ sinh non, quá trình phát triển của những mạch máu này có thể bị cản trở. Sau khi cháu bé được sinh ra, nếu các mạch máu tiếp tục quá trình phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh. Nếu các mạch máu phát triển một cách bất thường trẻ sẽ mắc bệnh. Trường hợp này gọi là bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (retinopathy of prematurity – ROP).

 

bệnh lý võng mạc, trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, thị lực, mạch máu, ROP, tổn thương võng mạc, bong võng mạc

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Nguy cơ bệnh võng mạc ở trẻ sinh non

 

Nguy cơ bị bệnh võng mạc ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào tuổi của thai nhi khi được sinh ra. Trên thực tế khoảng 80% các em bé sinh non dưới 26 tuần mắc bệnh ROP, nhưng chỉ có khoảng 15% trẻ sinh non trên 30 tuần mắc bệnh này. Trẻ sinh quá sớm hay quá nhẹ cân (dưới 2 kg) là những em bé có nguy cơ mắc bệnh ROP rất cao.

 

Những giai đoạn tiến triển của bệnh lý võng mạc – ROP
 

Giai đoạn 1: Có một ranh giới mỏng ngăn cách giữa khu vực đã hình thành các mạch máu và khu vực mà các mạch máu chưa phát triển. Ở giai đoạn này, những mạch máu vẫn có thể tự chúng phát triển bình thường nhưng tiến triển của bệnh cần được tiếp tục theo dõi.

Giai đoạn 2: Ranh giới giữa hai khu vực (có và không có mạch máu) rộng ra và dày lên thành một cái gờ. Giai đoạn này bệnh vẫn có thể tự lành, nhưng cũng có thể bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Những mạch máu mới bắt đầu phát triển dọc theo gờ và lan vào khối chất lỏng vốn trong suốt ở phần sau của mắt gọi là pha lê thể. Những mạch máu này có thể chảy máu (xuất huyết) và hình thành nên các sẹo.

 

bệnh lý võng mạc, trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, thị lực, mạch máu, ROP, tổn thương võng mạc, bong võng mạc

Ảnh minh họa: Nguồn Internet
 

Giai đoạn 4A: Các mạch máu bất thường và mô sẹo sẽ làm co kéo võng mạc, dẫn đến bong võng mạc khu trú. Ở giai đoạn này, vùng hoàng điểm, nơi chịu trách nhiệm cho thị lực trung tâm chưa bị ảnh hưởng.

Giai đoạn 4B: Võng mạc vẫn chỉ tổn thương ở mức độ bong khu trú, nhưng hoàng điểm đã bị ảnh hưởng làm suy giảm cả thị lực trung tâm lẫn chu biên ở mức độ nào đó.

Giai đoạn 5 ROP: Bong võng mạc hoàn toàn, làm giảm thị lực trầm trọng.

 

Khám sàng lọc để phát hiện và điều trị hiệu quả

 

Việc sàng lọc ROP ở Việt Nam cần thực hiện ở tất cả những trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.000g (2kg) và tuổi thai khi sinh dưới 34 tuần tuổi.

 

Với những trẻ có cân nặng khi sinh trên 2000g và tuổi thai khi sinh bằng hoặc hơn 34 tuần tuổi nhưng có thêm các yếu tố nguy cơ như suy hô hấp, thở ô-xy kéo dài, thiếu máu, nhiễm trùng… cũng cần phải được khám mắt.

 

Khi đã bị đẻ non mà cân nặng thấp có nguy cơ cao bị bệnh thì phải đưa trẻ đi khám ngay từ tuần thứ ba hoặc thứ tư sau khi sinh, ngay khi cháu còn nằm điều trị trong khoa sơ sinh và cả khi cháu đã được về nhà đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt chế độ khám theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

bệnh lý võng mạc, trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, thị lực, mạch máu, ROP, tổn thương võng mạc, bong võng mạc

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Có 2 phương pháp điều trị bệnh lý võng mạc cho trẻ là lạnh đông và quang đông bằng laser, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp cho trẻ.

 

Tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh, nếu bệnh nhẹ hoặc trung bình và phát hiện sớm thì kết quả khá tốt, nếu bệnh nặng thì dù có điều trị bằng phương pháp nào thì khả năng mù vẫn rất cao, nếu phát hiện trễ và bệnh đã tiến triển đến bong võng mạc thì trẻ sẽ mù vĩnh viễn. Chức năng nhìn về sau còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố trong quá trình phát triển của trẻ.

 

Tái khám và theo dõi

 

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hẹn tái khám vài ngày, 1 tuần hay 2 tuần sau hoặc có khi cần phải điều trị ngay. Trẻ cần được khám cho tới khi qua khỏi giai đoạn nguy hiểm hay mạch máu ở võng mạc phát triển đầy đủ.

 

Khi trẻ có bệnh ROP, dù cho là thể nhẹ không cần điều trị, một số biến chứng muộn vẫn có thể xảy ra như lé, cận thị, tăng nhãn áp, bong võng mạc trễ, do đó theo dõi lâu dài ở một bệnh viện chuyên khoa mắt nhi là cần thiết để phát hiện và can thiệp kịp thời. Đặc biệt chú ý những trường hợp bệnh ở một mắt hoặc mắt này nặng hơn mắt kia.

 

 

Bệnh lý võng mạc trẻ sinh non hoàn toàn có thể điều trị được với những trẻ phát hiện sớm, nhưng sẽ để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhi phát hiện muộn. Vì vậy việc khám sàng lọc với nhứng trẻ có nguy cơ là điều rất quan trọng cho trẻ.

Theo NTD

Bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non.

 

Theo NTD