Cần đổi mới cả giáo dục đại học

0
269

Hệ thống giáo dục đại học cũng cần đổi mới đồng bộ với giáo dục phổ thông: Trước hết, sớm thực hiện phân tầng các chính sách giáo dục đại học (CSGD ĐH). Thực hiện Luật Giáo dục đại học, các CSGD ĐH sẽ được phân tầng thành: CSGD định hướng nghiên cứu (NC); CSGD định hướng ứng dụng (ƯD) và CSGD định hướng thực hành.


Việc Bộ Giáo dục đào tạo sắp trình Chính phủ và Quốc hội đề án đổi mới sâu sắc và toàn diện không phải là chuyện quá mới mẻ. Thực chất, nội dung này đã được nhắc rất nhiều tại Hội nghị Trung ương VI, đó là phải đổi mới sâu sắc và toàn diện, toàn bộ hệ thống giáo dục kể cả từ giáo dục mầm non cho tới Đại học và Cao đẳng. 

Liệu đề án này có thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt giáo dục nước nhà hay không? Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng gửi tới độc giả bài viết của GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến bài viết về “một vài đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục tập trung vào giáo dục phổ thông”.

Tiếp sau bài viết: Đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục, không chỉ tập trung ở GD phổ thông, Báo Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết: Đề xuất đổi mới toàn diện giáo dục, cần đổi mới cả giáo dục đại học của GS-TSKH Phạm Sỹ Tiến.

Giáo dục đại học sớm được phân tầng và được trao quyền tự chủ toàn diện

Hệ thống giáo dục đại học cũng cần đổi mới đồng bộ với giáo dục phổ thông:

– Trước hết, sớm thực hiện phân tầng các chính sách giáo dục đại học (CSGD ĐH). Thực hiện Luật Giáo dục đại học, các CSGD ĐH sẽ được phân tầng thành: CSGD định hướng nghiên cứu (NC); CSGD định hướng ứng dụng (ƯD) và CSGD định hướng thực hành. 

CSGD định hướng NC là nơi đào tạo nhân lực trình độ cao, chủ yếu phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ. Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia (NAFOSTED) thuộc Bộ KH-CN đã sử dụng số công trình công bố trên tạp chí có chỉ số ISI do Viện Thông tin khoa học Hoa Kì công nhậnđể đánh giá năng lực khoa học(KH) của các cơ quan KH bao gồm cả các trường đại học. 

Vì thế, bước đầu và tạm thời có thể xác định CSGD định hướng NC đồng thời theo số công trình ISI và tỉ lệ tiến sĩ trong số các giảng viên cơ hữu. Sau này sẽ hoàn chỉnh bằng việc xem xét các công trình nghiên cứu thực sự mang lại hiệu quả cho xã hội, bổ sung đánh giá định tính của các chuyên gia, xác định một số tạp chí của Việt Nam tương đương tạp chí ISI (xem thêm vấn đề này trong Tạp chí Giáo dục số 312 Kì 2, tháng 6/2013).

Phần lớn các CSGDĐH sẽ là định hướng ƯD, bao gồm các trường ĐH mới thành lập (cả công lập và ngoài công lập) và các trường ĐH công lập đã hoạt động lâu năm nhưng chưa đạt tiêu chí về năng lực KH. Các CSGD định hướng thực hành sẽ đào tạo sinh viên có kỹ năng thực hành rất tốt, bao gồm một số trường ĐH có đặc trưng riêng như sư phạm, văn hóa, nghệ thuật… CSGD định hướng ƯD và định hướng thực hành chủ yếu đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vì thế chiếm số lượng lớn (khoảng 70%) và cũng có vai trò quan trọng.

– Thay đổi cách đầu tư của Nhà nước cho các CSGD ĐH. Nhà nước chỉ nên đầu tư cho các CSGD định hướng NC,trong đó lại tập trung đầu tư cho các ngành cần được khuyến khích đào tạo (như kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên và một số ngànhmà Nhà nước cần hỗ trợ nhằm phát triển xã hôi). 

Các CSGD định hướng ứng dụng và thực hành thì dù là CSGD công lập cũng bị cắt phần đầu tư cho sinh viên (trừ sư phạm), chỉ được Nhà nước đầu tư về trang thiết bị và cơ sở vật chất, sinh viên học tập tại các CSGD định hướng ứng dụng công lập không còn được hỗ trợ học phí, cũng phải đóng học phí cao như học tại các CSGD ĐH ngoài công lập. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế được Quỹ hỗ trợ sinh viên giải quyết.

– Cải tiến Qui định học phí đối với CSGD ĐH. Hiện nay học phí ở các trường công lập đối với các ngành kỹ thuật, công nghệ được qui định cao hơn học phí đối với ngành kinh tế, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên vì lý do phải đầu tư nhiều trang thiết bị. Cần thay đổi quan điểm này, nếu không càng ít sinh viên muốn học về kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên. 

Học phí đối với các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên và các ngành mà nhà nước khuyến khích đào tạo sẽ được giảm do có sự hỗ trợ của Nhà nướcvề học phí cho sinh viên, hỗ trợ này bao gồm cả đối với sinh viên các CSGD ngoài công lập.

Nguồn tài chính cho hỗ trợ các ngành cần thiết được lấy chính từ việc bỏ tài trợ đối với các ngành đông người học theo tâm lí “bầy đàn”, và do cắthỗ trợ học phí đối với sinh viên của các CSGD ĐH công lập định hướng ứng dụng. 

Ngoài ra, để tránh tình trạng các CSGD công lập tăng qui mô một cách bất hợp lí cần bổ sung vào qui định hiện hành của Bộ GDĐT về xác định qui mô đào tạo (bao gồm định lượng số sinh viên đối với một giảng viên cơ hữu và số mét vuông đối với một sinh viên) một  tiêu chí nữa là suất đầu tư của CSGD công lập, như đề xuất của GS Đào Trọng Thị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa xã hội, thanh thiếu niên nhi đồng.

Tuyển sinh đại học

Tuyển sinh là một trong quyền tự chủ của các CSGD ĐH. Có thể học tập cách kiểm tra SAT (School Attitude Test hay Study Attitude Test) của Hoa Kì làm cơ sở tuyển sinh của các CSGD ĐH. SATlà kiểm tra do Hội đồng các trường đại học Hoa Kì (College Board) tổ chức mỗi năm 7 lần ở Hoa Kì và 6 lần ở nhiều nước trên thế giới với nội dung và ngày kiểm tra như nhau. 

Từ kinh nghiệm của SAT, chúng ta xây dựng bộ đề kiểm tra bằng tiếng Việt, tạm gọi là kiểm tra năng lực học đại học hay gọi gọn là năng lực đại học (NLĐH). Trên cơ sở điểm NLĐH, các CSGD ĐH tùy theo phân tầng sẽ tự quyết định điểm tuyển sinh của mình.

Có hai loại chương trình kiểm tra NLĐH. Chương trình NLĐH 1 sẽ đánh giá kỹ năng học tập cần phải đạt được đối với sinh viên đại học, bao gồm: tiếng Việt (kỹ năng đọc tài liệu có hiệu quả, khuyến khích dạng đề thi mở); Toán (khả năng suy luận tính toán và giải các bài toán,có cả số học, đại số, hình học và xác suất thống kê), Ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh, yêu cầu vốn từ vựng tương đối phong phú và hiểu được các từ ngữ theo ngữ cảnh). 

NLĐH1 có phổ điểm rộng (SAT của Hoa Kì có điểm tối đa là 2400). Tất cả các CSGD định hướng ứng dụng và thực hành sẽ tự quyết định điểm NLĐH1 làm điểm tuyển sinh của mình, trong đó phải chú ý cả yêu cầu học sinh học THNC một cách nghiêm túc, không vi phạm các qui định về đạo đức, công dân, các hoạt động xã hội được xem xét cộng điểm.

Chương trình kiểm tra NLĐH2 là kiểm tra sâu thêm về các bộ môn mà sinh viên cần có kiến thức nâng cao khi học tại các CSGD định hướng NC khác nhau. Tất cả các CSGD định hướng NC cần xét tuyển theo NLĐH2. Ngoài yêu cầu chung của NLĐH1, NLĐH2 có loại đi sâu về văn học, về sử học – địa lí, vật lí, hóa học, toán nâng cao, ngoại ngữ nâng cao. Sinh viên được chọn loại kiểm tra NLĐH2 theo các nhóm khác nhau. Các CSGD định hướng NC sẽ tự xác định điểm NLĐH2 theo các nhóm phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu chất lượng đầu vào của mình.

Việc tổ chức kiểm tra NLĐH1 và NLĐH2 do một cơ quan chuyên trách thực hiện. Hiện nay không ít giảng viên đại học và giáo viên trung học phổ thông đã quen luyện thi SAT nên không khó thành lập và lựa chọn cơ quan chuyên trách tổ chức kiểm tra NLĐH trên cơ sở cạnh tranh minh bạch. Học sinh có thể đăng kí dự kiểm tra NLĐH1 và NLĐH2 vào những thời điểm thuận lợi đối với mình trong khoảng thời gian 2 năm học THNC, có thể thi nhiều lần để lấy điểm cao và không nhất thiết phải học xong THNC mới được dự kiểm tra.

Thực hiện

Cần tập hợp đội ngũ chuyên gia giỏi lựa chọn nội dung của từng môn học, từng cấp học sao cho nội dung đó là cơ bản và cần thiết nhất đối với một công dân, không quá hàn lâm, dành các kiến thức nâng cao dạy ở 2 năm THNC. Có thể ví dụ: tiếng Việt hay ngôn ngữ phải chọn lọc một ít tác phẩm văn học tiêu biểu đối với học sinh, trong khi đó chú trọng các cách diễn đạt bằng bài viết trong cuộc sống xã hội. 

Các kiến thức toán phục vụ cho học đại học sẽ dạy ở 2 năm THNC, giảm bớt kiến thức ở THPT v.v… Trong từng bước, cần huy động nhiều chuyên gia giỏi và tâm huyết làm việc tập trung theo từng khoảng thời gian, có kinh phí và bồi dưỡng xứng đáng để công việc có hiệu quả và rút ngắn thời gian thực hiện đổi mới. Nên chọn 2/3 số chuyên gia độc lập với Bộ GDĐT để tránh tư duy cũ.

Tóm lại, đây là mô hình giáo dục phổ thông vẫn 12 năm, nhưng THPT chủ yếu chỉ thực hiện trong 10 năm nhằm đào tạo con người Việt Nam có nhân cách, trí tuệ, ý thức công dân và trách nhiệm cộng đồng, có tư duy độc lập sáng tạo, được chuẩn bị tư thế trở thành người lao động có nghề nghiệp theo các cấp độ khác nhau, theo năng lực và nhu cầu của xã hội. Mô hình này tương tự mô hình giáo dục của một số nước phát triển.

Lee