Tết chưa về nếu như gia đình bạn thiếu điều này

0
149

Chúng ta thường nói “Vui như Tết”. Đúng thế, cho dù ngày Tết nhà cửa khang trang, cỗ bàn la liệt nhưng nếu thiếu tiếng cười vui thì bầu không khí ấy chưa phải Tết.

Trong bữa cơm ngày Tết, có người nói một câu dí dỏm làm cả nhà không nhịn được cười, chắc chắn bữa ăn sẽ ngon hơn, tiêu hoá tốt hơn, mọi người ăn khoẻ hơn. Nếu hai vợ chồng đi chơi Xuân mà có người phát hiện ra điều gì đó khiến cả hai cười ngặt nghẽo thì hạnh phúc nào bằng. Đó chính là hình ảnh của một đôi hạnh phúc.

Tết chưa về nếu như gia đình bạn thiếu điều này - 1

Tết thường là cơ hội để gia đình dành thời gian bên nhau (Ảnh minh họa IT)

Cơ quan tôi có một anh rất vui tính. Một hôm trong lúc vui, có người hỏi vợ anh ta: “Chắc ở nhà, anh ấy hay làm chị buồn cười lắm nhỉ?”. Nào ngờ nét mặt người vợ bỗng buồn thiu: “Ông ấy chỉ mua vui cho thiên hạ thôi, còn ở nhà với vợ con chẳng thấy cười bao giờ”. Nhưng sự buồn tẻ đó có lẽ không phải ông chồng về nhà là mất đi sự hài hước mà vì vợ không biết… cười. 

Trong cuộc sống lứa đôi, tính hài hước rất quan trọng. Ai chẳng muốn được chung sống với người bạn đời vui tính. Chả hơn suốt ngày lầm lì, cau có, tức giận hết chuyện nọ đến chuyện kia. Cuộc sống như thế dẫu có ăn ngon, mặc đẹp cũng chẳng vui thú gì. Nhưng trong thực tế, những pha khôi hài dí dỏm trong gia đình không nhiều. Điều ngạc nhiên là cả những người nổi tiếng là “cây hài hước” ở cơ quan, có khi trong gia đình, họ lại sống khác hẳn, nghiêm nghị, buồn tẻ, chẳng mấy khi thấy họ nói những câu buồn cười. 

Để có được tiếng cười trong gia đình, giúp không khí mái ấm lúc nào cũng vui như Tết, bạn không thể ngồi đợi tiếng cười đến mà cần biết cách tung hứng, nhân rộng tiếng cười.

Cần có bầu không khí vui vẻ

Đó là khi mọi người đang sống trong tâm trạng hào hứng, tạm thời quên đi những mối lo toan. Bởi có những nỗi buồn mà dù ta có đăm chiêu suy nghĩ vào đó cũng chẳng giải quyết được gì. Thí dụ như nỗi buồn do bệnh tật, do tuổi già, do hoàn cảnh kinh tế chưa khá giả hay do những tệ nạn xã hội chưa thể giải quyết ngay được.

Nếu ta nhìn cuộc sống bằng con mắt lạc quan, hướng về những cái tốt đẹp sẽ tạo ra được bầu không khí tươi vui sẵn sàng đón nhận tiếng cười. Còn nếu lúc nào cũng nhìn đời bằng con mắt u ám, chỉ thấy toàn những chuyện tiêu cực thì dĩ nhiên bầu không khí sẽ buồn chán, thậm chí căng thẳng. Nếu lúc ấy người nào nói một câu hài hước cũng sẽ trở thành lạc lõng, vô duyên không có ai hưởng ứng cả.

Tết chưa về nếu như gia đình bạn thiếu điều này - 2

Tết chưa về nếu như gia đình bạn thiếu điều này - 3

Cần người biết thưởng thức tiếng cười

Những người hài hước nói chung là những người thông minh. Họ nhìn ra những khía cạnh buồn cười mà những người khác có thể không thấy. Nhưng phải có người đánh giá được đó là phát hiện thông minh, dí dỏm và cười hưởng ứng. Cũng như người đánh đàn phải có người biết nghe mới thưởng thức được cái hay của tiếng đàn. Người kể chuyện tiếu lâm cũng vậy. Nếu câu chuyện không làm cho ai cười thì người kể cũng bẽ mặt chứ chưa nói còn đủ hào hứng để kể tiếp.

Cần người nghe cũng phải biết bình luận khen chê câu chuyện, khen cách kể chuyện, cách pha trò dí dỏm. Người nghe không chỉ biết nghe mà câu chuyện phải làm cho họ không thể ngồi yên, cũng muốn góp vào một vài ý hoặc bổ sung thêm một khía cạnh khiến cho câu chuyện càng đậm đà, ý nhị hơn.

Rõ ràng để có được tiếng cười trong gia đình, không chỉ một mình ai tạo ra được. Nó phải là sáng tạo của tập thể, là tài năng của mỗi thành viên trong gia đình. Có những người vốn dĩ không biết hài hước, cũng chẳng có cái duyên hài hước nhưng sau khi chung sống với người bạn đời vui tính một thời gian mà trở thành con người hóm hỉnh, dí dỏm.

Trái lại có những người vốn dĩ có sở trường khôi hài mà sống với người bạn đời buồn tẻ, tài năng cũng bị “thui chột” đi ít nhất là trong ngôi nhà của anh ta và những lúc nhớ “nghề”, anh ta phải đến với những thính giả biết thưởng thức tài nghệ của anh ta để được cười cho thoải mái.

Như vậy tiếng cười không thể do một cá nhân nào tạo ra được. Nói khác đi không ai có thể hài hước được một mình. Bởi thế, nếu trong cuộc sống gia đình thiếu vắng tiếng cười đâu phải là trách nhiệm của riêng ai mà mọi người đều phải tự hỏi mình đã đóng góp gì vào bầu không khí chung chưa?

Theo Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa (Dân Việt)