Bộ GD sẽ điều tra clip tiêu cực

0
207

Chiều 4.6, trong buổi họp báo về tình hình tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2013, ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GDĐT – khẳng định kỳ thi năm nay đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Tuy nhiên, trên một trang mạng xã hội lại xuất hiện thông tin có clip tiêu cực trong thi cử.


Sẽ điều tra clip tiêu cực

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GDĐT sẽ khẩn trương xác minh thông tin có thể xuất hiện clip tiêu cực mà phóng viên tìm thấy trên trang “Những người ôn thi đại học” của mạng xã hội Facebook. 

Ảnh minh họa 


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển bày tỏ: “Đây là một điều đáng tiếc, bởi năm nay, Bộ GDĐT đã đưa quy định rằng cá nhân nào có thông tin về tiêu cực trong thi cử thì có địa chỉ để cung cấp cho các cơ quan chức năng chỉ đạo để kiểm tra, giám sát và xử lý. Đó là các đoàn thanh tra, các hội đồng thi v.v… Vậy tại sao thông tin này không được cung cấp cho các cơ quan có trách nhiệm, mà lại tung lên mạng như vậy?”.

Có thiết bị ghi âm, ghi hình, thi nghiêm túc hơn?

Theo Bộ GDĐT, hiệu quả của quy định cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi được thể hiện rõ qua số liệu về các trường hợp vi phạm quy chế thi năm nay. Năm nay, số thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 49 em, với các lỗi chủ yếu là mang tài liệu và điện thoại di động vào phòng thi, ít hơn hẳn các năm trước. Chỉ có duy nhất 1 trường hợp TS nhờ người thi hộ. Trong khi đó, số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. 

“Hầu hết các trường hợp TS vi phạm quy chế thi đều do các cán bộ coi thi phát hiện và xử lý. Khác với các năm trước, các vi phạm quy chế thi được thanh tra các cấp phát hiện. Điều đó chứng tỏ các cán bộ coi thi năm nay đã coi thi nghiêm túc hơn. Và trong rất nhiều lý do, tôi nghĩ rằng có lý do về quy định cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi” – Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết. Theo ông Bằng, đến nay bộ vẫn chưa thấy những vi phạm nào nghiêm trọng như vụ Đồi Ngô năm ngoái. 

Không có chuyện lộ đề thi môn văn

Năm nay, bộ có chủ trương tiến hành chấm thẩm định rộng khắp trên 16 tỉnh, thành phố và việc chấm này sẽ được công bố công khai kết quả. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, những cán bộ được giao trọng trách chấm thẩm định này sẽ là những người tinh nhuệ, có năng lực, có trình độ chuyên môn cao. Việc chấm thẩm định sẽ được tiến hành tương tự như việc chấm thi và kết quả chấm thẩm định sẽ được bộ thông báo cho các địa phương. Địa phương nào không đồng tình với kết quả chấm thẩm định của bộ, bộ sẵn sàng giải quyết.     

Về thông tin cho rằng đề thi môn văn năm nay có nội dung na ná với đề thi thử mà nhiều trường đã cho học sinh làm trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển lý giải rằng, đó là do cùng được ra theo một chương trình nội dung chứ không có chuyện lộ đề. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nói rõ việc ra đề văn mở như năm nay sẽ đòi hỏi nhiều cách chấm khác nhau, đa dạng. Song quan trọng là các cách chấm này đều phải chú trọng việc TS bảo vệ quan điểm của mình như thế nào, có lập luận chặt chẽ đối với ý tưởng mà các em đưa ra hay không; thay vì chấm theo kiểu áp đặt.

Bộ trưởng “nối” đường dây nóng với báo chí

Một ngày trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thông điệp đến một số cơ quan báo chí, với mong muốn nhận được sự hợp tác của giới truyền thông, giúp bộ phát hiện những biểu hiện tiêu cực trong kỳ thi này. Và một kỳ thi đã diễn ra tương đối suôn sẻ.

 Trong suốt nhiều năm qua, hiếm có năm nào không xảy ra những sự cố tin đồn, nào là lộ đề thi, rồi tiêu cực nghiêm trọng nơi này nơi khác, “phao” trắng phòng thi… Nhưng kỳ thi năm nay, những “hiện tượng” đó đã giảm đi rất nhiều. Không chỉ riêng ngành giáo dục mà cả xã hội đều hướng tới mục tiêu – kỳ thi nghiêm túc – đã và đang được triển khai một cách nghiêm túc và triệt để.

Đội ngũ lãnh đạo ngành và cán bộ, giáo viên đều tạm thở phào. Mới chỉ dám “tạm” thôi, bởi mọi chuyện không phải suôn sẻ tuyệt đối 100%: Đó đây vẫn còn rải rác hình ảnh những tờ “phao” như một minh chứng của sự thiếu nghiêm túc, đường dây nóng nối với báo chí do đích thân bộ trưởng cầm, vẫn nhận được những thông tin phản ánh từ báo chí để cần tiếp tục xác minh. Điều đáng mừng nhất với bộ trưởng, đó là sự hợp tác, hưởng ứng của báo chí. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Ngay trước kỳ thi, báo chí cũng tranh luận rất nhiều với những quyết định của bộ cho phép thí sinh mang các thiết bị điện tử có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tranh luận là cần thiết để đưa đến sự đồng thuận của cả xã hội. Mặt khác, với quyết định “táo bạo” đó, bước đầu đã đưa đến những hiệu quả nhất định-nó đã biến thành sự giám sát vô hình – sự răn đe cần thiết với những cá nhân nào đó còn có ý định thiếu nghiêm túc. Vị bộ trưởng nói rõ lý do vì sao ông đích thân phải cầm đường dây nóng, bởi có những quyết định cấp thời mà nhiều khi cấp dưới không thể quyết. Chính sự dùng dằng khó quyết ấy dễ dẫn đến hiểu lầm, dễ gây mất niềm tin, đôi khi cả những nghi ngờ về sự bao che, dung túng… 

Và chắc chắn, vị bộ trưởng sẽ còn giữ đường dây nóng này ở cả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, cả những kỳ thi các năm sau, không phải chỉ để xử lý các tình huống khẩn cấp, mà lâu dài sẽ tạo thói quen cho một sự tương tác. Và cái đích để đến, đó là một cam kết chính trị của người đứng đầu sự nghiệp trồng người – về những kỳ thi ngày một nghiêm túc hơn.      

Theo L