Tạo ấn tượng qua thư giới thiệu xin việc cuốn hút

0
26

Thư giới thiệu xin việc hay còn gọi là cover letter cũng là “một cánh cửa” cần được mở ra để dẫn đến vòng phỏng vấn. Hơn nữa, nó còn đóng vai trò dẫn dắt nhà tuyển dụng đến với CV ứng tuyển. Nhưng dù vậy, vẫn còn nhiều ứng viên tỏ ra lúng túng thậm chí không biết nên thể hiện nội dung gì và viết như thế nào trong thư xin việc để tạo ấn tượng tốt với các nhà tuyển dụng ở Hải Phòng, Hà Nội và nhiều nơi khác…

Nếu bạn đang gặp phải tình huống này thì nội dung sau đây sẽ dành cho bạn.

Đảm bảo đủ nội dung cần thiết

Để có một thư giới thiệu xin việc chuyên nghiệp thì bạn cần đảm bảo lá thư đó có đủ nội dung cần thiết.

Hãy thể hiện những năng lực nổi trội và phù hợp với vị trí ứng tuyển để nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên tiềm năng. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là nhân sự mà họ đang tìm kiếm. Vì thế trước khi viết, bạn hãy đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng để thấy họ cần gì và muốn gì. Đừng quá dài dòng, bạn nên đi thẳng vào trọng tâm vấn đề đồng thời khéo léo dẫn dắt nhà tuyển dụng tới CV ứng tuyển của bạn.

Đơn giản, dễ hiểu và cụ thể

Quan niệm CV là quan trọng nhất và nhà tuyển dụng chỉ quan tâm tới CV đã khiến nhiều ứng viên bỏ lỡ cơ hội việc làm. Trong thực tế, trước khi nhà tuyển dụng bị thu hút bởi CV thì bạn cần làm thế nào để dẫn dắt họ đến với CV. Đó là nhiệm vụ của thư giới thiệu xin việc. Chính vì vậy, thư xin việc cần viết đơn giản, dễ hiểu và cụ thể ở một mức độ nhất định.

Đừng viết chỉ với tiêu đề ứng tuyển, kính gửi công ty và lý do nộp CV mà hãy thể hiện giá trị của bạn. Tại đây bạn cũng có thể đưa ra những đóng góp, lợi ích sẽ mang lại cho công ty. Nếu có những dẫn chứng cụ thể cho thành tích bạn đạt được thì sẽ rất thuyết phục. Ví dụ như những con số cụ thể, % doanh thu, giải pháp đột phá… Đây chắc chắn là điểm khác biệt giúp thư xin việc của bạn thu hút hơn.

Không rập khuôn

Chỉ vài phút, bạn đã có hàng chục bản thư xin việc mẫu trên internet. Bạn có thể tham khảo những lá thư này nhưng tuyệt đối không nên sao chép. Mỗi một vị trí ứng tuyển khác nhau, một môi trường doanh nghiệp khác nhau thì bạn nên viết thư xin việc theo phong cách khác nhau.

Tuyệt đối không nên dùng mẫu thư của vị trí ứng tuyển này, công ty này cho vị trí ứng tuyển khác. Nên hiểu rằng, nếu bạn copy được thì người khác cũng sẽ copy được. Hơn nữa, mỗi ngày nhà tuyển dụng đọc hàng trăm thư xin việc nên để “qua mặt” được họ là không dễ.

Thay vào đó, hãy dành thời gian để chỉnh sửa thư xin việc của mình phù hợp vị trí và môi trường doanh nghiệp bạn ứng tuyển, phù hợp với phong cách, cá tính của bạn. Điều này tuy mất thời gian nhưng là cách nhanh nhất kéo gần bạn hơn tới vị trí ứng tuyển.

Cụ thể về thông tin nhà tuyển dụng

Rất khó để bạn biết được danh tính của người tuyển dụng hay tìm được người liên hệ để gửi thư xin việc. Tuy vậy, bạn nên thử tìm hiểu, càng nhiều thông tin càng tốt về công ty cũng như người tuyển dụng. Nếu may mắn tìm ra được thông tin đó thì hãy đề cập đến họ ngay trong đoạn đầu tiên của thư xin việc. Nếu làm được điều này, bạn sẽ ghi được một điểm rất quan trọng đấy.

Trung thực và chân thành

Thư giới thiệu xin việc không giống như một bài PR bản thân. Bạn cần tiết chế và đảm bảo tính trung thực khi viết. Sẽ có những thiếu sót, bạn có thể không cần phải liệt kê nhưng không có nghĩa là bạn nói “không thành có”.

Hơn nữa, ngôn từ, giọng văn bạn cần đảm bảo sự chân thành, thể hiện mong muốn và quyết tâm được làm việc, cống hiến nếu như trúng tuyển vào công ty. Cách viết này chắc chắn sẽ gây được thiện cảm tốt với nhà tuyển dụng hơn là lá thư xin việc đầy những từ ngữ khoe khoang, bóng bẩy và sáo rỗng.

Đảm bảo không có lỗi

Thư xin việc được coi là một vòng phỏng vấn, mà nó lại là vòng phỏng vấn đầu tiên. Do đó, ngoài trau chuốt về nội dung thì bạn cần đảm bảo không có những lỗi cơ bản về hình thức.

Bạn cần lựa chọn định dạng thư xin việc phù hợp, đảm bảo đơn giản, dễ nhìn, không mắc lỗi chính tả, dấu câu. Bởi cũng giống như CV, nhà tuyển dụng không có quá nhiều thời gian để đọc thư xin việc nên độ dài từ ½ tới ⅔ trang giấy là đủ đối với một thư giới thiệu xin việc.

Nguyễn Lý