Hen phế quản ở trẻ và những điều cần biết

0
40
Hen phế quản là sự viêm mạn tính đường hô hấp, gây co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho bệnh nhân khó thở. Nguyên nhân của căn bệnh này do nhiều yếu tố gây nên, đặc biệt sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường làm thúc đẩy sự phát triển bệnh hen.

 

Hen phế quản và viêm phế quản co thắt tái diễn có tiếng rít chỉ là một và đều là một bệnh có biểu hiện phản ứng quá mức của phế quản. Hen phế quản thường bắt đầu từ 2-10 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ có bố hoặc mẹ bị hen phế quản cao hơn nhiều so với trẻ có bố mẹ không bị mắc bệnh hen. Nếu cả hai bố mẹ đều bị hen thì đến 60% con của họ sẽ bị hen.

 

Cơn hen thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virut hoặc vi khuẩn, khi thay đổi thời tiết trong những đợt chuyển mùa thu – đông, đông – xuân, đôi khi cơn hen xuất hiện do hít phải bụi, hơi khói của bếp than tổ ong, khói thuốc lá, lông súc vật, phấn hoa hoặc khi trẻ gắng sức như chạy, đùa nghịch… Có những trường hợp cơn hen xuất hiện sau khi trẻ ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, trứng, sữa, lạc…

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Bệnh hen có phổ biến không?

 

Trên thế giới có 300 triệu người mắc bệnh hen, 20 vạn ca tử vong do hen.

 

Tần suất hen ngày càng gia tăng, đặc biệt ở trẻ em, dao động từ 1,4-30% tùy theo vùng địa lý dân cư, chủng tộc. Tần suất hen cao nhất ở Úc 29,4%, New Zealand 30,2%, tại Việt Nam, tỷ lệ hen trẻ em khoảng 7-11,4%.

 

Làm thế nào để phát hiện ra con mình bị hen?

 

Các triệu chứng thông thường của hen phế quản:

 

Ho dai dẳng, đặc biệt nặng hơn về đêm.

 

Thở khò khè.

 

Thở gắng sức.

 

Nặng ngực ở trẻ lớn.

 

Ở trẻ nhỏ, nhiều khi tình trạng co thắt phế quản chỉ biểu hiện duy nhất bằng những cơn ho giống như ho gà nhưng lúc hít vào không thấy ồn ào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít.

 

Hen trẻ em cũng có thể biểu hiện dưới dạng viêm phế quản khó thở. Khi khó thở và ho nhiều, dịch tiết ra. Không giống như hen kinh điển ở người lớn, cơn hen ở trẻ em bắt đầu và kết thúc không đột ngột.

 

Hen gắng sức: Kiểu hen này thường xuất hiện sau gắng sức như khi trẻ leo cầu thang, chạy nhảy, cười đùa nhiều.

 

Những trường hợp hen ác tính: Các cơn hen liên tiếp xảy ra hằng ngày, thường nặng hơn về chiều, đêm, không đáp ứng với các thuốc giãn phế quản ở liều thường dùng.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Những yếu tố nào làm khởi phát cơn hen?

 

Thời tiết và nhiệt độ thay đổi đột ngột.

 

Cảm cúm/nhiễm trùng đường hô hấp.

 

Gắng sức (tập thể dục, nô đùa, khóc, xúc cảm quá mức).

 

Khói thuốc lá, khói than.

 

Mạt bụi nhà.

 

Phấn hoa.

 

Nấm mốc.

 

Vảy, da, lông thú vật.

 

Chất phụ gia trong thực phẩm và các chất bảo quản thực phẩm.

 

Một số loại dược, mỹ phẩm.

 

Tiến triển bệnh hen như thế nào?

 

Rất thất thường, một số trường hợp ổn định sau khi trẻ lớn trên 5-6 tuổi, nhưng một số khác sau 15 năm lại bị hen lại, thậm chí sau 20-30 năm. Nếu bệnh được phát hiện sớm và được quản lý điều trị dự phòng hiệu quả thì sẽ làm giảm đáng kể tần suất hen khi lớn, nhất là các thể hen nặng.

 

Cách xử trí

 

Khi lên cơn hen cấp: Cho trẻ ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành; cho uống nhiều nước hoặc hít hơi nước làm đờm loãng ra sẽ dễ thở.

 

Nếu cơn hen nhẹ: Dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: ventolin, atrovent, bricanyl… Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung, bình xịt định liều, thuốc dạng viên hoặc siro. Liều lượng thuốc dùng tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ.

 

Nếu cơn hen nặng: Thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh ventolin khí dung hoặc xịt theo chỉ dẫn của bác sĩ, 3 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút, ngoài ra cho trẻ uống thêm corticosteroid với liều 2mg/kg/ngày, sau ăn no, nếu tình trạng không cải thiện, cha mẹ phải cho trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Nếu trẻ có kèm theo sốt, cơn hen kéo dài trên 3 ngày, có thể trẻ bị viêm bội nhiễm do vi khuẩn. Trong những trường hợp hen bội nhiễm phải cho trẻ uống kết hợp thêm kháng sinh.

 

Phòng bệnh

 

Tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen: Bắt đầu ngay từ trong phòng ngủ của trẻ, không dùng thảm, không nuôi súc vật, không hút thuốc lá, không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi; vệ sinh chăn đệm và phòng ở thường xuyên, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm, hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản, hằng năm nên cho trẻ tiêm phòng cúm. Đối với những trẻ bị hen do khí hậu, nếu có thể thì chuyển trẻ đến nơi ở có môi trường khí hậu trong lành hơn.

 

Dùng các thuốc dự phòng để kiểm soát hen: seretide, flixotide, pulmicort… Đây là các loại thuốc tương đối an toàn, không gây nghiện, có tác dụng chống viêm dị ứng mạn tính, làm giảm các triệu chứng hen và giảm liều thuốc cắt cơn.

 

Để đạt được các tiêu chí của kiểm soát hen triệt để, các bậc cha mẹ nên cho con em mình bị bệnh đến khám và tư vấn tại các phòng khám chuyên khoa để có được các lời khuyên và phác đồ điều trị phù hợp với lứa tuổi và từng bậc hen cụ thể.

 

 

 

Hen phế quản ở trẻ và những điều cần biết

 

Theo NTD