5 lưu ý khi trình bày dự án trong CV việc làm

0
10

Mục đích lớn nhất của phần dự án trong CV việc làm là để trình bày trải nghiệm cũng như khả năng của bạn để nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.

Dưới đây là 5 điều cần lưu ý về cách trình bày các dự án trong CV xin việc một cách ấn tượng và thu hút để bạn có thể tham khảo, từ đó có được phương án phù hợp nhất khi chuẩn bị hồ sơ xin việc cho bản thân.

Trình bày các dự án có liên quan đến vị trí ứng tuyển 

Để tránh đưa vào những kinh nghiệm không liên quan vào khiến CV trở nên lan man, dài dòng, việc đối chiếu mô tả công việc của công ty là điều bạn nên làm. Đồng thời, chọn lọc được những công việc liên quan cũng thể hiện sự tinh ý của bạn đối với công việc này. Khi ấy, nhà tuyển dụng có thể xem cách bạn có thể áp dụng những kỹ năng bạn đã sử dụng trong các dự án trước sang vị trí mà họ đang tuyển dụng như thế nào.

Ngoài ra, hãy lược bỏ những kinh nghiệm làm việc không giúp bạn khoe ra được kỹ năng cần thiết cho công việc đang ứng tuyển. Việc thêm vào những công việc như vậy có thể sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không nghiên cứu kỹ về mô tả công việc của họ. Chẳng hạn như bạn đang ứng tuyển vào vị trí graphic designer cho một công ty thiết kế nội thất thì bạn chỉ nên đưa vào những dự án liên quan đến xây dựng, nội thất, thiết kế không gian,… dù bạn có cả kinh nghiệm graphic designer cho các tạp chí quảng cáo.

Ưu tiên chọn những dự án mà bạn đã đạt thành tích tốt nhất

Ưu tiên chọn những dự án mà bạn đã đạt kết quả nổi bật hoặc áp dụng những công nghệ mới phù hợp với công việc bạn ứng tuyển sẽ giúp hồ sơ của bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng. Những thành tích mang tính định tính như các danh hiệu, giải thưởng, sự công nhận, sự thừa nhận, và khen thưởng từ công ty sau khi hoàn thành dự án đều có thể đề cập đến.

Để tạo sự hấp dẫn cho các dự án đã thực hiện, bạn có thể sử dụng cấu trúc: “Mô tả công việc + Kết quả”. Đơn cử như: “Kinh nghiệm trong dự án phát triển ứng dụng X, đạt được giải thưởng Ứng dụng sáng tạo năm 2023, cùng với đó là hàng nghìn lượt tải trên Google Play Store.”

Đưa số liệu thực tế để làm nổi bật kết quả

Hầu như các nhà tuyển dụng đều quan tâm đến việc ứng viên sẽ làm được gì cho doanh nghiệp nếu chọn hợp tác cùng nhau. Đó cũng là nguyên nhân tại sao họ rất chú trọng đến kết quả, cụ thể hơn là bằng con số. Do đó nếu bạn đề cập các số liệu có tính xác thực thì sẽ dễ giúp CV việc làm được điểm cộng. Công thức CAR (Circumstances/ Problems – Vấn đề; Actions – Hành động; Results – Kết quả) sẽ giúp bạn làm điều này dễ dàng hơn, cách trình bày nội dung dự án cũng sẽ tương đối đầy đủ thông tin, làm nổi bật kỹ năng bản thân.

Ví dụ: Bạn là Product Owner của trang cuộc thi viết lách năm 2023 trên website ABC, và trong phần trình bày Dự án của CV Project Manager cho công ty quảng cáo bạn muốn đề cập đến thành tích này thì hãy viết: “Phát triển quy trình gửi bài thi viết mới giúp tăng số lượng bài viết lên 120% với trải nghiệm mới trong vòng 2 tháng” thay vì viết: “Phát triển quy trình gửi bài dễ dàng cho người tham gia”.

Trong ví dụ nêu trên, bạn đã hàm ý rằng quy trình gửi bài dự thi viết cũ không tối ưu đã khiến nhiều người dự thi không hoàn thành việc tham dự cuộc thi viết (vấn đề). Khi bạn phát triển một quy trình nộp bài mới (hành động), dẫn đến việc tăng số lượng người tham dự thành công (kết quả). Ở đây bạn cho thấy được khả năng của mình trong việc nhìn nhận và giải quyết tình huống, mang đến thành tích tốt cho dự án.

Sắp xếp và trình bày phần nội dung kinh nghiệm trong CV theo thứ tự thời gian

Trình bày kinh nghiệm theo thứ tự thời gian sẽ giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn tổng quan về sự thay đổi tích cực và khả năng ở từng thời điểm của bạn. Để trình bày phần kinh nghiệm ấn tượng, bạn cần trình bày đầy đủ các thông tin về mốc thời gian từ trước đến hiện tại, tên công ty cũ – tên dự án, vị trí  làm việc, công việc từng thực hiện tại công ty cũ.

Việc mô tả chi tiết những công việc từng làm tại công ty cũ chính là để nhà tuyển dụng nắm được sơ bộ kiến thức chuyên môn của bạn. Từ đó, họ sẽ đánh giá được năng lực của bạn để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, bạn nên tránh sử dụng ngôn ngữ chủ quan và so sánh nhất như xuất sắc, tốt nhất, giỏi nhất,… vì nó chỉ là những cụm từ chung chung sáo rỗng.

Đính kèm portfolio thể hiện rõ thông tin dự án

Đa phần những bạn làm trong lĩnh vực sáng tạo, quảng cáo, báo chí, thiết kế, IT… sẽ rất cần đến portfolio để nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn tổng quát hơn về khả năng của họ khi CV không đủ chỗ để thể hiện hết các thông tin cần thiết. Portfolio sẽ giúp bạn liệt kê một cách chi tiết và sống động nhất về những kinh nghiệm làm việc và dự án bạn đã từng tham gia. Nếu CV việc làm của bạn đã chuẩn chỉnh và thu hút, kèm theo portfolio trong thư ứng tuyển cũng có thể khiến nhiều nhà tuyển dụng để mắt vì hồ sơ xin việc chỉn chu.

Pha Lê