Khi nào đẻ mổ là tốt nhất?

0
43

Sinh thường theo tự nhiên dĩ nhiên là tốt nhưng có những trường hợp đẻ mổ là lựa chọn tốt cho mẹ và bé.

Với phương pháp
sinh mổ, em bé chào đời không qua đường âm đạo của mẹ như thông thường
mà được các bác sĩ đưa ra khỏi tử cung của mẹ thông qua một cuộc phẫu
thuật. Sinh mổ thường được thực hiện sau khi gây tê màng cứng hoặc gây
tê cột sống để mẹ vẫn có thể nhận biết sự ra đời của bé nhưng không cảm
thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, các bác sĩ gây mê có
thể quyết định chọn biện pháp gây mê toàn thân trong một vài trường
hợp.

Hiện nay, sinh mổ được xem là một phương pháp cực kỳ an toàn với tỷ
lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, thời gian để mẹ phục hồi sẽ lâu hơn khi sinh
thường và việc phẫu thuật cũng có nhiều khả năng gây ra một vài rắc rối
cho cả mẹ và bé. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyên mẹ không nên chọn sinh
mổ nếu không vì những lý do chính đáng.

Khi nào đẻ mổ là tốt nhất? - 1

Có những trường hợp bắt buộc sinh mổ sẽ đảm bảo an toàn cho mẹ và bé (ảnh minh họa)

Sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước (trường hợp này gọi là “chọn”
mổ) do các biến chứng khi mang thai trở nên rõ ràng ngay cả trước khi mẹ
chuyển dạ, do mẹ đã từng đẻ mổ hoặc có thể không hề có kế hoạch cho đến
khi có rắc rối bất ngờ xảy ra trong quá trình chuyển dạ và bác sĩ buộc
phải quyết định một ca mổ “cấp cứu”. Đó cũng là lí do tại sao mẹ nên tìm
hiểu về quá trình sinh mổ để chuẩn bị tinh thần, tâm lý nếu có nhu cầu
phát sinh.

Khi nào cần chọn phương pháp đẻ mổ?

Vị trí của thai nhi không đúng

Em bé bị kẹt
quá sâu vào vùng xương chậu nên không thể xoay được. Ngôi thai bất
thường như ngôi ngang, ngôi ngược, thế cằm sau ngôi đầu, ngôi mông lần
sinh đầu…Trong những trường hợp này, việc tiến hành sinh mổ là rất cần
thiết. Ngoài ra, mẹ mang đa thai cũng nên lựa chọn sinh mổ. Thực tế đã
cho thấy, các mẹ có thai hai bé hay nhiều hơn có xác suất ít nhất một bé
có vị trí thai bất thường cao hơn rất nhiều so với các mẹ chỉ mang thai
đơn.

Khi nào đẻ mổ là tốt nhất? - 2


Ngôi mông hay ngôi ngang là vị trí thai bất thường khiến sinh thường trở nên khó khăn (ảnh minh họa)

Biến chứng nhau thai hoặc dây rốn 


Nhau tiền đạo là tình trạng nhau thai bất thường khá phổ biến gây
nguy hiểm cho thai nhi trong quá trình sinh. Nhau tiền đạo là tình trạng
nhau thai không bám hoàn toàn ở mặt trước và sau đáy tử cung như bình
thường mà một phần, hoặc toàn bộ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung.
Phần nhau này sẽ nằm chắn phía trước thai nhi lúc thai nhi di chuyển
xuống dưới đường sinh khi mẹ bắt đầu chuyển dạ, ngăn chặn  nguồn máu cấp
cho bé. Vì vậy, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai.

Biến chứng khác của nhau thai đòi hỏi phải tiến hành mổ đẻ khẩn cấp
đó là nhau bong non, là trường hợp nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong
sớm trước khi sổ thai. Biến chứng này cắt đứt trao đổi tuần hoàn giữa mẹ
và bé, gây ra hậu quả tất yếu là mẹ bị mất máu nghiêm trọng, bị biến
chứng rối loạn đông máu, vô niệu, có thể gây tử vong cho thai nhi và đe
dọa tính mạng mẹ. Sa dây rốn cũng là một vấn đề nghiêm trọng, nếu không
lựa chọn đẻ mổ kịp thời, dây rốn bị chèn ép khiến nguồn cung cấp oxy cho
bé bị ngắt, nguy hại đến tính mạng của bé.

Quá trình sinh kéo dài

Tử cung có dấu hiệu vỡ, cơn co thắt tử cung yếu khiến quá trình sinh
sản kéo dài mặc dù dùng nhiều biện pháp xử lý vẫn không có hiệu quả. Hay
tình trạng sức khỏe của mẹ suy giảm trong quá trình chuyển dạ (như tăng
vọt huyết áp, kiệt sức, tiền sản giật, sản giật hoặc những lý do khác).
Trong những trường hợp này, nếu vẫn tiến hành sinh thường, thời gian
sinh quá dài sẽ hại đến mẹ và thai nhi, vì vậy, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu
thuật để đưa bé ra khỏi tử cung của mẹ.

Khi nào đẻ mổ là tốt nhất? - 3

Quá trình kéo dài và không có tác dụng nếu tiếp tục, bác sĩ sẽ đề nghị mẹ chuyển sang đẻ mổ (ảnh minh họa)

Mẹ có vấn đề về sức khỏe

Nếu như mẹ có vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, bệnh tim, phổi, cao
huyết áp, có tiền sử khó đẻ, có tiền lệ về phẫu thuật, sinh mổ sẽ là lựa
chọn an toàn cho mẹ và bé. Một số bệnh lý khiến mẹ không thể sinh
thường được có thể kể đến như herpes sinh dục đang tiến triển, sùi mào
gà, viêm gan, HIV dương tính…, sinh mổ sẽ an toàn cho bé, bảo vệ bé
khỏi nguy cơ nhiễm các căn bệnh này.

Hiện nay bằng nhiều phương pháp khác nhau như khám lâm sàng, siêu âm,
monitor sản khoa theo dõi tim thai cơn gò, xét nghiệm máu…bác sĩ có
thể đánh giá và tiên lượng cuộc sinh: mẹ nên sinh thường hay sinh mổ,
sinh ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hay tuyến trung ương… Vì vậy,
những tuần cuối từ tuần thứ 35 trở đi các mẹ nên đi khám thường xuyên
để các bác sĩ theo dõi và hướng dẫn mẹ nên đẻ mổ hay đẻ thường để mẹ
chuẩn bị sẵn tinh thân.

Khi nào đẻ mổ là tốt nhất? - 4


Mẹ nên đi khám thai trong những tuần cuối của thai kỳ để bác sĩ tiên lượng cuộc sinh (ảnh minh họa)

Nhưng dù trường hợp thai của mẹ là sinh mổ hay sinh thường thì mẹ
cũng đừng nên quá lo lắng vì sinh đẻ là một hiện tượng sinh lý tự nhiên
mà rất nhiều phụ nữ đã làm được, điều mẹ cần làm là để tinh thần thật
thoải mái để “vượt cạn” nhanh chóng và thành công nhé!

Theo Eva

Khi nào đẻ mổ là tốt nhất?