Vì sao cần cho trẻ bú mẹ?
Ai cũng biết sữa mẹ là là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý báu mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Đây là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển của bé trong năm đầu của cuộc đời. Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin, muối khoáng với tỷ lệ thích hợp cho sự hấp thụ và phát triển của cơ thể bé. Đặc biệt trong sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn có thể tăng cường sức đề kháng cho trẻ mà không một thức ăn nào có thể thay thế được. Đó là: các globulin miễn dịch, chủ yếu là IgA có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Vì vậy, khi bé được bú mẹ, bé sẽ tiêu hoá tốt và hấp thụ các chất tốt hơn, ít bị táo bón, nhiễm khuẩn đường ruột và viêm phổi hơn
Không ít bạn gái e ngại việc cho con bú có thể làm hỏng vẻ đẹp tự nhiên của “vòng một” mà họ dày công giữ gìn. Những lo lắng này của bạn là không có cơ sở, hơn nữa, việc cho con bú còn có tác dụng bảo vệ người mẹ sau khi sinh. Động tác mút vú của bé kích thích cơn co tử cung, giảm chảy máu sau khi sinh. Đồng thời khi trẻ bú mẹ, tuyến yên sẽ tiết ra prolactin. Prolactin ức chế rụng trứng, làm giảm khả năng sinh đẻ, giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng cho mẹ.
Đó là chưa kể đến việc khi bé bú mẹ, mối quan hệ giữa mẹ và bé sẽ gần gũi, gắn bó hơn, mẹ âu yếm, yêu thương, bé hạnh phúc hơn, điều đó tốt cho sự phát triển tinh thần và trí tuệ cho trẻ. Hơn nữa, nuôi bé bằng sữa mẹ rất thuận tiện, bạn lại có thể tiết kiệm được khoản tiền mua sữa ngoài cho bé.
Khi nào thì nên bắt đầu cho con bú?
Nhiều bà mẹ sau khi sinh thường chờ đến khi vú căng sữa mới cho con bú. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đúng, vì càng làm cho sữa xuống chậm và dễ bị mất sữa. Bạn có thể cho bé bú càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng nửa giờ đầu sau khi sinh. Điều này có thể giúp mẹ nhanh cầm máu và kích thích sữa về nhanh hơn. Sữa non – sữa tiết ra trong tuần đầu sau khi sinh thường có màu vàng nhạt, đặc sánh – là loại thức ăn tốt nhất cho bé. Sữa non không những chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn mang nhiều kháng thể và bạch cầu để bảo vệ bé chống lại nhiễm khuẩn và dị ứng, giúp bé tống phân su ra nhanh. Bạn nên tận dụng toàn bộ nguồn sữa non này, không cần cho trẻ ăn thêm bất cứ thứ gì.
Trong sáu tháng đầu sau khi sinh, bạn cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, không cần cho trẻ ăn hay uống thêm bất cứ thứ gì, kể cả nước lọc. Một số bà mẹ có thói quen sạch sẽ, thường cho trẻ tráng miệng bằng nước lọc sau khi bú. Song điều đó không cần thiết vì trong sữa mẹ chứa đủ nước cho bé rồi và sữa mẹ không làm hại miệng hay lợi của bé. Sau sáu tháng tuổi, bạn mới cần cho bé ăn thêm các thức ăn khác.
Để bé nhận đủ lượng sữa cần thiết, bạn có thể cho bé bú bất cứ lúc nào bé muốn, cho bé bú đến no và tự rời vú mẹ. Bé càng bú nhiều càng kích thích vú mẹ sản xuất nhiều sữa. Bạn cũng đừng lo là cho bé bú vào ban đêm là nuông chiều bé nhé. Vì nếu bé đói, bé sẽ không chịu ngủ ngoan đâu, hơn nữa, việc cho bé bú vào ban đêm có tác dụng tốt cho việc sản xuất prolactin, kích thích tiết sữa.
Khi bé mới bú, có thể sữa chưa ra đều khiến bé cáu, khóc. Lúc đó bạn đừng vội cho bé bú ngay, nhẹ nhàng dùng tay hoặc khăn ấm làm cho sữa ra đều rồi cho bé bú.
Cho bé bú như thế nào là đúng?
Khi cho bé bú, bạn bế bé sát vào lòng, sao cho đầu, thân mình và chân bé thẳng hàng, để bé được thoải mái. Bạn không nhất thiết phải ngồi cho bé bú, bạn có thể nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái nhất.
Bạn để miệng bé mở to, ngậm hết và sâu vào quầng thâm của vú, cằm của bé tỳ sát vào vú mẹ, bụng áp sát vào mẹ. Nên tránh không để bé quay mỗi đầu vào vú mẹ còn thân ngửa ra ngoài. Nếu quầng thâm của vú mẹ lớn thì cho bé ngậm hết quầng thâm bên dưới vú mẹ. Điều này có tác dụng làm cho bé mút được nhiều sữa hơn và kích thích vú mẹ tiết sữa nhiều hơn. Vì khi trẻ ngậm hết quầng thâm của vú mẹ tức là trẻ ngậm vào các xoang sữa trong vú mẹ, kích thích sữa tiết ra.
Một số bà mẹ thường có thói quen đỡ vú khi cho bé bú. Tuy nhiên, nếu mẹ bé đỡ vú không đúng cách có thể chặn đường ra của các tia sữa khiến bé không mút được nhiều sữa. Vì vậy, bạn cần lưu ý dùng bốn ngón tay đỡ bên dưới vú, còn ngón cái đặt cao phía trên, qua hết bầu vú. Không dùng hai ngón tay kẹp vú.
Có thể bạn băn khoăn không biết nên cho bé bú hết một bên hay bú đều cả hai bên vú? Tốt nhất là bạn cho bé bú cạn một bên vú rồi mới chuyển sang bên vú kia, vì sữa đầu thường có nhiều kháng thể còn sữa sau có nhiều protein. Trong trường hợp bé không bú hết sữa thì bạn cũng cần vắt bỏ chỗ sữa còn lại để vú tiếp tục tiết sữa.
Một số vấn đề có thể gặp khi cho con bú
Bạn cần lưu ý đến vấn đề vệ sinh vú, nhất là trong thời kỳ cho con bú. Trước và sau khi cho bé bú, bạn dùng khăn mềm và nước ấm để vệ sinh vú.
Nứt núm vú còn gọi là nứt cổ gà. Hiện tượng này thường gặp khi mẹ cho bé bú không đúng cách, bé chỉ ngậm núm vú không ngậm sâu vào quầng vú mẹ. Chỗ nứt dễ nhiễm nấm trong môi trường vì vậy mẹ bé rất đau khi cho con bú. Trong trường hợp này, bạn vẫn tiếp tục cho bé bú và cho bú đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng cho bé, đồng thời tránh đau tức và mất sữa cho mẹ bé. Khi bắt đầu bú, bé thường mút mạnh hơn. Vì vậy, bạn có thể cho bé bú bên không đau trước. Trong trường hợp đau quá, bạn mới nên vắt sữa cho bé ăn bằng cốc. Thường thì nứt núm vú sẽ tự khỏi nhưng cũng có trường hợp, núm vú bị nhiễm nấm, miệng bé có tưa dày màu vàng, bạn và bé có thể đến bác sỹ để điều trị.
Căng tức sữa: Hiện tượng này có thể do bạn cho bé bú không thường xuyên hoặc không đúng cách nên sữa không ra được. Bạn có thể chườm nóng vú, dùng tay vắt bớt sữa và cố gắng cho bé bú thường xuyên và đúng cách. Còn nếu vú bị tắc tia sữa hoặc sưng đỏ, đau, mẹ sốt thì cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân.
Không đủ sữa cho con bú: Có nhiều trường hợp bà mẹ thiếu sữa do cho con bú không thường xuyên, không đúng cách, ăn uống không đủ chất, nghỉ ngơi không hợp lý hoặc tinh thần không thoải mái. Vì vậy, các bạn có thể khắc phục những nguyên nhân đó. Trong trường hợp bạn đã khắc phục những điều đó mà vẫn không cải thiện được lượng sữa thì cần đi khám để bác sỹ cho lời khuyên cụ thể nhé.
Bé tự nhiên bỏ bú: bạn không nên quá lo lắng. Có thể bé bị bệnh, khó chịu trong người hoặc mẹ bé ăn một số loại gia vị như ớt, hành, tỏi … gây mùi khó chịu cho sữa. Bạn có thể theo dõi sức khoẻ của bé, đưa bé đi khám bệnh nếu cần hoặc tránh ăn những loại gia vị đó. Trong trường hợp bé bị tiêu chảy bạn vẫn cần tiếp tục cho bé bú.
Những điều cần biết về việc cho con bú
Theo NTD