Đặc điểm cơn co tử cung
Bình thường thì từ khi có thai cho đến khi thai đến 30 tuần tử cung người mẹ sẽ không có những cơn co. Nhưng bắt đầu từ tuần thứ 31 đến trước khi chuẩn bị chuyển dạ, tử cung có cơn co nhẹ, mau hơn trước, áp lực từ 10 – 15 mmHg gọi là các cơn co Hicks không gây đau.
Cường độ cơn co tử cung là số đo ở thời điểm áp lực tử cung cao nhất của mỗi cơn co.Độ dài của cơn co tử cung tính từ thời điểm tử cung bắt đầu co bóp đến khi hết cơn co, đơn vị tính bằng giây.
Tần số cơn co tử cung tăng dần lên về tần số và cường độ trong quá trình chuyển dạ, cơn co khi bắt đầu và trong khi chuyển dạ bao giờ cũng là những cơn co gây đau.Điểm xuất phát của mỗi cơn co nằm ở 1 trong 2 sừng tử cung, ở người thường là sừng bên phải.
Cơn co tử cung có tính chất 3 giảm (thời gian, cường độ và tần số). Cơn co tử cung từ buồng tử cung lan toả ra đáy và thân đến đoạn dưới và cổ tử cung.Thời gian co bóp của cơ tử cung giảm dần từ trên xuống dưới, áp lực cơn co tử cung giảm dần đi từ trên xuống dưới.
Đặc điểm cơn co tử cung trong chuyển dạ đẻ
Cơn co tử cung xuất hiện một cách tự nhiên ngoài ý muốn của con người.
Cơn co tử cung có tính chất chu kỳ và đều đặn. Cơn co tử cung mau dần lên, khoảng cách giữa hai cơn co khi mới chuyển dạ là 15-20 phút sau đó ngày càng ngắn dần lại, cuối giai đoạn I khoảng 2-3 phút. Cường độ và thời gian cơn co được đo bằng máy monitoring.
Cơn co tử cung dài dần ra, bắt đầu chuyển dạ 15-20 giây, đạt tới 30-40 giây ở cuối giai đoạn xoá mở cổ tử cung. Cường độ cơn co tăng dần lên, áp lực cơn co mới chuyển dạ 30-35mmHg (120Um) tăng dần đến 50-55 mmHg ở giai đoạn cổ tử cung mở và giai đoạn sổ thai lên đến 60-70 mmHg tương đương 250UM. Nằm nghiêng trái không thay đổi trương lực cơ bản cơ tử cung nhưng cường độ cơn co tử cung tăng lên 10 mmHg và tần số cơn co lại giảm đi.
Cơn co tử cung gây đau khi áp lực đạt 25-30 mmHg. Cơn đau xuất hiện sau cơn co tử cung và mất đi trước cơn co tử cung, cơn co càng mạnh càng đau và đau tăng lên khi sản phụ lo lắng sợ sệt.
Cơn co tử cung có tính chất 3 giảm: áp lực cơn co giảm từ trên xuống dưới, thời gian co bóp của cơ tử cung giảm dần từ trên xuống dưới, sự lan truyền của cơn co tử cung theo hướng tử trên xuống dưới.
Cơn co tử cung và cơn co thành bụng trong giai đoạn sổ thai
Trong giai đoạn II của cuộc chuyển dạ đẻ, cơn có tử cung phối hợp với cơn co thành bụng đẩy thai ra ngoài. Áp lực cơn co tử cung ở cuối giai đoạn II tăng cùng với cơn co thành bụng tạo áp lực trong buồng ối tăng lên tới 120-150 mmHg.Do vậy hướng dẫn sản phụ rặn đẻ đúng rất có giá trị trong cuộc đẻ.
Như vậy, theo dõi cơn co tử cung là yếu tố quan trọng giúp nhân viên y tế tiên lượng cuộc đẻ cho sản phụ. Cơn co tử cung kết hợp với sự giãn nở của cổ tử cung là một trong những yếu tố quyết định xem sản phụ có khả năng sinh thường hay không.
Đặc điểm của cơn co tử cung khi chuyển dạ.
Theo NTD