Định nghĩa
Nôn trớ do trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược các thành phần dịch từ dạ dày vào trong thực quản một cách không tự ý.
Nguyên nhân
– Cơ vòng thực quản dưới có ngay từ lúc sinh, 3-7cm trên chỗ nối thực quản vào dạ dày. Đó là một dải cơ trơn đặc biệt, tạo nên một vùng có áp lực cao, ngăn dòng trào ngược từ dạ dày, nó vẫn còn tiếp tục thay đổi vài tháng đầu sau sinh. Trong khi áp lực nội tại cơ vòng thực quản dưới bình thường, ở nhiều trẻ có sự dãn không thích hợp hoặc không đồng bộ gây trào ngược từng đợt. Ở một số trẻ, đặc biệt trẻ sinh non, trương lực cơ vòng thực quản dưới lúc nghỉ có thể giảm.
– Một nguyên nhân quan trọng trong cơ chế trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em là giải phẫu học thực quản đoạn dưới và dạ dày. Ở trẻ sơ sinh, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù, khi tâm vị phát triển, góc này trở thành góc nhọn, đóng vai trò ngăn ngừa dòng trào ngược khi dạ dày căng to.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Triệu chứng
Triệu chứng tiêu hóa:
– Trớ, ọc sữa: xảy ra thụ động, không gắng sức, không có sự tham gia của cơ hoành, biểu hiện ợ sau ăn, dễ dàng xảy ra khi thay đổi tư thế.
– Ói: có kèm hoặc không ọc sữa, có sự tham gia của cơ hoành, xảu ra 1 lúc lâu sau bữa ăn hay bú là tống thức ăn hoặc dịch dạ dày.
– Nuốt khó và đau: Biểu hiên trẻ bỏ bú và khóc. Nội soi cho thấy viêm thực quản với những mức độ khác nhau. Ở trẻ nhỏ có thể gây rối loạn giấc ngủ kéo dài. Ở trẻ lớn, đau sau xương ức và có triệu chứng ợ nóng.
– Xuất huyết tiêu hóa: Biểu hiện chủ nôn ra máu, đôi khi tiêu phân đen. Khi trẻ trong bụng mẹ biểu
hiện nước ối có máu.
– Ảnh hưởng dinh dưỡng: Nếu những rối loạn kéo dài, nôn ói nhiều và từ chối ăn có thể gây chậm tăng trưởng, thiếu máu, suy nhược, cũng có thể chảy máu dưới mức lâm sàng.
Triệu chứng tai mũi họng và hô hấp
– Ho mãn tính: cơn ho xảy ra lúc trẻ đang đùa giỡn, giảm đi hoặc biến mất khi trẻ yên tĩnh hay ngủ. Thường gặp trong những năm đầu của cuộc sống.
– Bệnh viêm phế quản phổi tắc nghẽn: thường gặp sau 2-3 tuổi, cũng có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, thường kèm khò khè.
– Những ổ nhiễm trùng phổi tái phát, xơ phổi lan tỏa không rõ nguyên nhân. Hen phế quản không rõ nguyên nhân.
– Bệnh lý tai mũi họng tái phát: viêm xoang, viêm tai giữa…tái đi tái lại, không rõ nguyên nhân.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Điều trị
Điều trị chủ yếu nội khoa, chỉ can thiệp ngoại khoa khi có những bất thường giải phẫu đáng kể (thoát vị khe thực quản hay thoát vị dạ dày trong lồng ngực) những dạng có biến chứng, biểu hiện hô hấp mãn tính hay viêm thực quản thất bại với điều trị nội khoa.
Điều trị nội khoa
Điều trị thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Mục đích điều trị:
– Duy trì bữa ăn theo dung tích dạ dày.
– Bảo vệ niêm mạc thực quản đối với dịch acide hay những thành phần dịch mật chưa được trung hòa.
– Hỗ trợ sự tống dạ dày-hang môn vị.
– Tăng áp lực cơ vòng thực quản dưới.
Lưu ý khi điều trị:
– Chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, tránh ăn quá no và tăng số cữ sẽ cải thiện triệu chứng.
– Làm đặc thức ăn còn bàn cãi, bởi biến đổi ít trên biểu đồ pH kế, vẫn còn rất hữu ích trên lâm sàng.
– Đối với trẻ bú mẹ thì người mẹ hạn chế độ ăn ít mỡ, tránh chocolat, café, trà, cocacola, thức ăn nhiều gia vị.
– Những loại thuốc làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới (nhóm xanthines) nên được tránh khi có thể.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Điều trị ngoại khoa
Chỉ định can thiệp ngoại khoa nói chung khi không đáp ứng điều trị nội khoa hoặc biểu hiện “malaise” và nguy cơ đột tử, hoặc các biến chứng sau:
– Biến chứng về dinh dưỡng
– Biến chứng đường hô hấp
– Trào ngược nặng ở trẻ bệnh lý não
– Những biến chứng ngoại khoa thoát vị khe thực quản tái phát, vẫn còn trào ngược dạ dày thực quản kéo dài, khó ợ hơi và khó tiêu. Hội chứng Dumping thoáng qua cũng được ghi nhận khoảng 10% trường hợp.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản rất thường gặp ở trẻ em, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, có thể gây nhiều biến chứng đáng lo ngại. Phép đo pH kế được xem như tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh, tuy nhiên, trong điều kiện Việt Nam, siêu âm vẫn còn tỏ ra có nhiều hữu ích, nếu được thực hiện bởi những người đã được huấn luyện và kiên nhẫn, nó cho phép khảo sát về hình dạng và động học cũng như định hướng bệnh nguyên của bệnh, nên được thực hiện đầu tiên trước bệnh nhân, nghi ngờ trào ngược dạ dày thực quản cũng như ở trẻ nôn ói kéo dài.
Nôn trớ ở trẻ do trào ngược dạ dày thực quản
Theo NTD