Da nổi mụn, ngứa,đặc biệt là thâm nám và những vết trông như ghét tụ là mối bận tâm của không ít bà bầu.
“Bầu bí” thì xấu đi là chuyện bình thường, nhưng nhiều thai phụ thấy mặc cảm ghê gớm vì mình vì làn da biến đổi quá mức, đang sáng sủa mịn màng bỗng trở nên đen ánh, loang lổ như ghét bẩn vì lâu ngày không tắm.
Ghét “đeo vòng” ở cổ
Ngày còn con gái, Như, nhân viên phòng vé của một hãng hàng không tại Hà Nội, đi đến đâu cũng được mọi người khen nước da trắng mịn, hồng hào. Lấy chồng rồi mang thai đứa con đầu lòng, Như vui sướng nhưng cũng hoảng vì những biến đổi ở cơ thể, nhất là tình trạng da đen sạm đi ở vùng cổ và nách. Da toàn thân trắng nên vùng đen này lại càng nổi rõ. Trông nó giống như các lớp “ghét” đóng trên da lâu ngày không cọ, lại còn “vằn vện” các đường như gợn sóng. Như có bầu vào đúng mùa hè, thường mặc áo hở nách, hở cổ nên các vùng da này lộ ra trông rất xấu và… bẩn. Lúc đầu ông xã Như tưởng vợ khi tắm không cọ rửa kỹ, còn mẹ chồng thì bảo chắc Như mang bầu con trai nên da mới xấu như vậy.
Xuyên (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) mang bầu bé gái nhưng cũng gặp tình trạng tương tự. Từ tháng thứ 5, cô bắt đầu bị đen cổ, nách; thậm chí cả bụng, cổ tay cũng bị “đeo vòng ghét” như thế, dùng chanh xát không hết. Càng dần đến ngày sinh, các vùng thâm đen này càng đậm hơn, nhìn như cả chục năm không tắm vậy. “Đàn bà chửa mũi nở ra, người to đùng, bụng kềnh càng đã xấu lắm rồi, lại thêm Xuyên những mảng ‘ghét’ bẩn bẩn này nữa, trông càng chán”, Xuyên than.
Không bị đen ở cổ nhưng từ khi có bầu đến tháng thứ tư, trên đôi má trắng mịn của Tuệ (25 tuổi, đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội) lại xuất hiện các mảng màu nâu, trông giống như bị bớt. Cô bôi các loại thuốc, mỹ phẩm đặc trị nám da nhưng chẳng ăn thua.
Không nên để da tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng
Do nội tiết tố nên không cần điều trị
Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm ý tế Thái Hà, Hà Nội, sự thay đổi nội tiết là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến làn da của các bà bầu, như gây hiện tượng sẫm màu, đen, nám trên một số vùng da.
Từ tháng thứ tư trở đi, tuyến nội tiết trong cơ thể thai phụ càng biến đổi rõ rệt. Bào thai và nhau thai tiết ra một lượng lớn hormone, làm tăng sắc tố da. Lượng oestrogen và progesteron tăng kích thích mạnh việc hình thành các phân tử tiền hắc tố melanin, khiến da sẫm màu. Sở dĩ tình trạng đen sạm trông rất “bẩn” này xuất hiện nhiều ở các vị trí dễ nhận thấy trên cơ thể như mặt, cổ, gáy, nách, cổ tay, cổ chân… và một vài nơi “nhạy cảm” khác như bụng, háng… vì đây những vùng da này rất mỏng, tổ chức dưới da lỏng lẻo nên dễ lắng đọng sắc tố đen. Cũng do da mỏng, các sắc tố đen ở đây dễ lộ ra hơn ở các vùng da khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là một hiện tượng sinh lý thông thường, không đáng lo ngại. Sau khi sinh con, hiện tượng “đen bẩn” này sẽ giảm dần và biến mất, làn da trở lại sáng sủa như cũ. Ở một số người, chúng không hết hẳn nhưng cũng giảm đi nhiều.
Ngoài hiện tượng kể trên, rất nhiều phụ nữ bị nám da khi mang thai, như trường hợp của Tuệ, nguyên nhân cũng là sự thay đổi lượng hormone. Dù là “đen bẩn” hay nám, bác sĩ Dung khẳng định, chúng đều không liên quan gì đến giới tính của thai nhi. Việc người này bị người kia không, người bị ít, người bị nhiều là do cơ địa.
Để hạn sạm, nám da khi mang thai, bà bầu nên trán tối đa các yếu tố kích thích như ánh nắng mặt trời, rượu, bia, thuốc lá, thực phẩm cay, nóng… Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước. Không nên dùng mỹ phẩm trị nám trong thời kỳ mang thai bởi chúng không có tác dụng điều chỉnh nội tiết tố vốn là nguyên nhân gây nám. Ngoài ra, chúng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.
TH