Thuốc chữa nhiễm khuẩn mũi – họng cấp tính ở trẻ

0
1403

Có thể nói mũi, họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở nên rất hay bị nhiễm khuẩn, nhất là ở trẻ em. Đó là những bệnh nào và việc dùng thuốc trong các bệnh này ra sao.

Đây là loại bệnh khá phổ biến ở trẻ em, thường gặp từ khoảng 6 tháng tuổi đến 7 – 8 tuổi. Đó là tình trạng viêm niêm mạc của hốc mũi và vùng họng mũi, hay tái phát tới 3 hoặc 5 – 6 lần trong năm. Bệnh do các viut gây ra như cúm, giả cúm…

Nếu không điều trị tốt có thể bội nhiễm các loại vi khuẩn và có các biến chứng như: viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp, viêm thanh quản cấp, viêm phổi, viêm hạch và áp xe hạch vùng cổ, áp xe thành sau họng…

Khi bị bệnh này trẻ sốt cao đột ngột 39 – 40oC, vật vã, quấy khóc, có thể kèm nôn, trớ, tiêu chảy. Tắc mũi, trẻ phải thở bằng miệng nên kém ăn, bỏ bú, quấy khóc, kèm chảy nước mũi trong hoặc nhầy, dần dần là mủ nhầy trắng, ho thúng thắng hoặc ho nhiều, ho khan…

Về điều trị, hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng. Có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol (khi trẻ sốt cao); giảm viêm, giảm sung huyết đỏ, phù nề bằng chymotrypsin và có thể nhỏ sulfarin hoặc efedrin 1% để chống tắc ngạt mũi.

Khi mắc bệnh tai mũi họng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Khi mắc bệnh tai mũi họng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Ngoài ra có thể sát khuẩn mũi bằng cách nhỏ argyrol 1%, 2%, nước muối sinh lý 0,9%, dung dịch B.B.M… Cần cho trẻ ăn đủ chất và uống thêm các vitamin nhóm B,C… Chỉ nên dùng kháng sinh khi có biến chứng, hoặc có bội nhiễm gây chảy mũi mủ đặc xanh. Khi bị tái phát nhiều lần trong năm cần đưa trẻ đến chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra sự quá phát, viêm V.A để nạo V.A nếu cần.

Viêm V.A

Khi trẻ bị viêm V.A cấp sẽ sung huyết, sinh mủ của các tổ chức amiđan họng – khu trú ở vùng họng mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 1 đến 7-8 tuổi, thường do vi khuẩn hoặc virut gây nên. Trẻ có thể sốt cao 38 – 40oC, mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, bỏ bú, khi ngủ hoảng hốt giật mình, có thể kèm sốt cao co giật, kích thích vật vã, tắc ngạt mũi cả hai bên, trẻ phải há miệng để thở, kèm chảy mũi mủ nhầy trắng, lâu dần chảy mũi mủ xanh, thường kèm ho khan hoặc có đờm nhầy…

Ngoài các biến chứng đề cập trong viêm mũi họng cấp viêm V.A còn làm cho trẻ chậm phát triển về tinh thần, vận động và để lại những di chứng về phát triển của vùng hàm mặt và lồng ngực (bộ mặt V.A)

Với bệnh này thường dùng các loại kháng sinh như: zinat, unasyl, augmentin… hạ sốt giảm đau bằng paracetamol; dùng các thuốc chống viêm, giảm phù nề, sung huyết: chymotrypsin. Nếu có co giật cần cho trẻ dùng thêm thuốc an thần trẻ em. Nhỏ mũi bằng các thuốc co mạch, sát khuẩn và dùng các thuốc như chloramphenicol 0,4%, glyxerin borat…để nhỏ tai.

Viêm Amiđan

Là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính gây sung huyết, xuất tiết và làm mủ của amiđan khẩu cái, có thể do virut hoặc vi khuẩn gây nên. Nguy hiểm nhất là do liên cầu tan huyết nhóm A. Nếu không chữa có thể dẫn đến các biến chứng: gây viêm tấy và áp xe quanh amiđan, các biến chứng toàn thân như nhiễm khuẩn huyết, thấp tim, viêm cầu thận, viêm khớp cấp…

Dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm, nên phối hợp nhóm penicillin và gentamycin; dùng các thuốc chống viêm, giảm phù nề: chymotrypsin; giảm đau, hạ sốt: paracetamol; làm sạch họng bằng các dung dịch kiềm nhẹ như nước súc miệng T.B, nước muối sinh lý 0,9%, dung dịch B.B.M; có thể uống thêm các sinh tố nhóm B,C; dùng khí dung mũi họng theo chuyên khoa tai mũi họng khi cần thiết.

Viêm thanh quản

Thường gặp nhất là viêm thanh quản cấp xuất tiết thể long cấp) và hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện sau viêm mũi họng cấp, viêm V.A, viêm họng cấp, viêm amiđan cấp; thường do virut gây ra các tổn thương xung huyết đỏ, phù nề và tăng tiết nhầy ở niêm mạc thanh quản. Bệnh không thể tự khỏi, dẫn đến khó thở, nhiễm hoặc bị bội nhiễm thêm vi khuẩn gây viêm thanh khí phế quản, viêm phổi.

Trong trường hợp này phải cho kháng sinh toàn thân: zinat, augmentin, unasyl…; giảm phù nề, chống viêm: prednisolon, anfa choay…; giảm đau hạ sốt: paracetamol; khí dung họng mũi theo khoa tai mũi họng. Trường hợp có khó thở phải tiêm tĩnh mạch depersolon, celesten… theo dõi để mở khí quản khi cần thiết.

Phòng các bệnh nhiễm khuẩn trong tai mũi họng

– Vệ sinh mũi họng: nhỏ mũi sát khuẩn cho trẻ em khi bị tắc mũi, khi thay đổi thời tiết… với nước muối sinh lý 0,9%…

– Giữ vệ sinh họng miệng: đánh răng trước khi đi ngủ, xúc họng, miệng bằng các dung dịch kiềm nhẹ.

– Điều trị triệt để các viêm mũi, viêm họng, viêm mũi họng, VA, Amiđan…

– Tăng cường sức đề kháng cho trẻ em, ăn uống đủ chất, nhiều vitamin B,C. Điều trị tốt cho trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng…

– Phòng tránh, loại bỏ các yếu tố, nguy cơ độc hại dễ lây nhiễm: bụi than, bụi bẩn, gió lùa, khí lạnh…

– Phải điều trị đúng, triệt để khi trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn để tránh các biến chứng, tránh chuyển sang mạn tính. Nhất là phải có thái độ đúng đắn khi dùng kháng sinh hợp lý, kịp thời

Sức khỏe và Đời sống