Hiện nay, thị trường lao động cạnh tranh khá gay gắt, không thiếu các trường hợp nhân viên nhanh chóng được đề bạt sau thời gian ngắn làm việc tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trường hợp nhân viên gắn bó với công ty trong suốt thời gian dài vẫn chỉ ở chức vụ thấp cũng không phải hiếm hoi. Bạn có bao giờ tự đặt ra cho mình câu hỏi “Tại sao dù làm việc lâu nhưng mình vẫn không được thăng chức” chưa? Nếu có, có thể bạn đang rơi vào một hoặc những trường hợp sau đây.
Tham khảo các thông tin việc làm Bình Dương tại careerlink.vn
Thái độ làm việc không được đánh giá cao
Thái độ làm việc là một trong những yếu tố quan trọng khi đánh giá nhân viên. Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, những nhân viên có thái độ làm việc thiếu tích cực, ngại khó khăn hoặc đòi hỏi quá cao gần như có rất ít các cơ hội để phát triển sự nghiệp. Thực tế cho thấy, đa phần những nhân viên có thái độ làm việc không tốt là những người ít trung thành với công ty, không có sự say mê đối với công việc hiện tại cũng như không thể phát huy hết các khả năng của bản thân, do đó năng suất lao động và chất lượng công việc của họ cũng không cao, thông thường kết quả chỉ ở mức trung bình hoặc thấp hơn.
Mối quan hệ trong công sở không tốt
Việc tạo mối quan hệ tốt với các đồng nghiệp không chỉ giúp nhân viên có môi trường làm việc thoải mái mà còn giúp họ có khả năng tiếp cận nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Nhà quản lý thường ưu tiên lựa chọn những nhân viên có mối quan hệ công sở tốt để giữ chức vụ cao, bởi lẽ họ hiểu rõ về các đồng nghiệp của mình và có thể làm tốt công tác quản lý, phân công công việc cho từng cá nhân trong bộ phận, mang lại kết quả làm việc tốt nhất có thể. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nhà quản lý sẽ thông qua việc lấy ý kiến biểu quyết của các đồng nghiệp khác trong đơn vị để đưa quyết định thăng chức cho một cá nhân thuộc tập thể, doanh nghiệp đó.
Thiếu năng lực và kỹ năng quản lý
Dù nhân viên có đủ kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn nhưng nếu thiếu các kỹ năng quản lý thì cũng không thể làm tốt công tác ở vai trò từ nhà quản lý cấp trung trở lên. Ngoài việc hiểu rõ về công việc của bộ phận bạn đang làm, bạn cần phải có năng lực tư duy, kỹ năng hoạch định kế hoạch và các kỹ năng quản lý khác mới có thể tiếp cận với các chức vụ quan trọng hơn so với hiện tại. Việc không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao năng lực và các kỹ năng mềm sẽ là lợi thế cạnh tranh không nhỏ của nhân viên trong bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào. Do vậy, ngoài việc tập trung phát huy chuyên môn, bạn cần rèn luyện các kỹ năng khác để chứng minh bản thân mình phù hợp với các chức vụ cao hơn, đủ năng lực hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng hơn trong tổ chức.
Kết quả công việc trong quá khứ không cao
Dù nhân viên đã làm việc trong doanh nghiệp suốt thời gian dài nhưng nếu kết quả công việc của họ trong quá khứ không đủ để thuyết phục nhà quản lý thì họ cũng vẫn không có cơ hội tiến xa hơn nữa. Nếu bạn đặt mục tiêu cao hơn cho sự nghiệp của mình, bạn không thể chỉ hoàn thành các nhiệm vụ được giao ở mức tiêu chuẩn, làm việc theo lối mòn, không có sự cải tiến sáng tạo. Có thể nói, kết quả lao động trong quá khứ chính là tiền đề để gặt hái các thành quả trong tương lai, vậy nên, khi đang ở bất kỳ vị trí công việc nào, nhân viên cần cố gắng làm tốt nhất có thể, mọi đóng góp cho tổ chức của bạn sẽ luôn được ghi nhận và trở thành cơ sở để nhà quản lý xem xét khi giao cho bạn chức vụ quan trọng hơn.
Thiếu uy tín đối với nhà quản lý
Một trong những nguyên nhân khiến nhà quản lý lựa chọn tăng lương thay vì đề bạt nhân viên vào một vị trí quan trọng nào đó, dù họ có nhiều đóng góp cho công ty là do thiếu sự tín nhiệm đối với nhân viên đó. Có thể do chính nhân viên ấy từng nói những điều không tốt về công ty cũ, tiết lộ thông tin từ công ty cũ vì lợi ích cá nhân hoặc không trung thực trong quá trình làm việc. Đối với nhà quản lý, việc để những nhân viên họ không tin tưởng giữ chức vụ cao có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động và lợi ích lâu dài của công ty. Do vậy, để có nhiều cơ hội thăng tiến hơn, nhân viên cần tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, nâng cao uy tín cá nhân trong tổ chức và ngoài xã hội.
Nhìn chung, để có thể đạt được địa vị cao hơn trong doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung, nhân viên cần phải hội tụ đủ các yếu tố về thái độ, kỹ năng, kinh nghiệm đồng thời tạo được mối quan hệ tốt đẹp với nhiều người xung quanh – đặc biệt là những người có ảnh hưởng đến cuộc sống và sự nghiệp của bạn. Việc không ngừng học hỏi, làm tốt công tác hiện tại cũng như nỗ lực phát triển bản thân sẽ tạo cho chúng ta vô vàn các cơ hội thành công, bên cạnh đó hãy ghi nhớ, tuyệt đối đừng để những lợi ích trước mắt trở thành rào cản cho chính tương lai của bạn.
Tuyết Nga