Bất kì nhân viên nào cũng mong được ghi điểm với sếp để công việc được thuận lợi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dù bạn đã cố gắng nhưng sếp vẫn có ác cảm với bạn. Vậy làm thế nào để khắc phục tình hình? Trưởng phòng Nhân sự Công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink cho rằng, bị sếp ghét là vì nhiều lý do, có khi xuất phát từ cả hai phía. Tuy nhiên, đa số là từ phía nhân viên, cụ thể là thái độ, hiệu suất làm việc, phong cách ứng xử, giao tiếp với người xung quanh và về tính cách cá nhân của họ… Để lấy lại thiện cảm của sếp, bạn có thể tham khảo 6 cách sau đây.
Tìm ra lí do
Nếu nhận ra các dấu hiệu cho thấy sếp có ác cảm với mình, trước tiên bạn cần tìm hiểu rõ ràng xem liệu lí do không ưa bạn là vì điều gì, vấn đề nằm ở đâu và có đúng như vậy hay không. Việc thăm dò này có thể bằng nhiều cách khác nhau, qua các dấu hiệu sếp thể hiện khi làm việc, nhờ đồng nghiệp khác thăm dò hay tự bạn có thể hỏi sếp trực tiếp hoặc qua email một cách lịch sự.
Một cuộc trao đổi thẳng thắn không mất quá nhiều thời gian nhưng có lợi ích nhất định. Do đó, chủ động lựa chọn thời điểm phù hợp để xin một cuộc gặp riêng. Hãy khéo léo tìm một dịp để sếp thoải mái chia sẻ, nhận xét về bạn. Nhân đó, bạn cũng nên chia sẻ quan điểm, suy nghĩ tích cực để cả hai bên có thể hiểu nhau hơn. Không bi lụy, nịnh bợ sếp nhưng cũng không tự cho mình là nhân vật quan trọng. Cuộc nói chuyện giữa trên tinh thần tôn trọng, chân thành, có thiện chí tạo dựng mối quan hệ bền chặt giữa cấp trên – nhân viên.
Lưu ý hơn khi ứng xử với sếp
Hãy để ý đến những vấn đề sếp đang gặp phải, mong muốn và kế hoạch của sếp, điều làm sếp quan tâm và cố gắng làm theo nó một cách hoàn chỉnh nhất. Đừng sợ phải nhận thiệt thòi về phía mình, có thể sếp sẽ sớm nhận ra thành ý của bạn.
Đây cũng là một cách khôn ngoan lấy lòng cấp trên. Khi đã biết sếp có ác cảm với bạn thì tốt nhất không nên cố tình lơ đi, làm ngược với mong muốn của sếp để tình hình càng trở nên tệ hơn. Ngược lại, ngầm quan sát và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với sếp, nhằm tạo cho sếp sự hài lòng, hiểu ra thành ý của bạn. Tuy nhiên, việc lấy lại thiện cảm của sếp chỉ ở mức độ hành vi chừng mực, ở giá trị tích cực chứ không phải bất chấp làm những việc sai trái, phạm luật hay vi phạm đạo đức.
Khắc phục, thay đổi tình hình bằng hành động
Khi biết rõ lý do sếp ghét bạn, đừng chỉ ngồi than ngắn thở dài và oán trách họ không công bằng. Ngược lại, bạn nên khắc phục bằng hành động cụ thể ngay tức khắc, thay đổi hành vi của mình để phù hợp. Chẳng hạn, lí do là bạn làm việc yếu kém thì chẳng còn cách nào khác là phải nỗ lực hơn nhiều nữa để làm việc tốt hơn; nếu vì sếp không thích phong cách ứng xử của bạn thì bạn nên điều chỉnh cách giao tiếp, thái độ… Ngoài ra, bạn còn phải chú ý về trang phục, lời ăn tiếng nói, tránh biến những cuộc tranh luận thành mâu thuẫn, xung đột gay gắt thể hiện bản thân thái quá…
Sẽ không một vị sếp nào có thể ghét bỏ một nhân viên giỏi, nhiệt huyết với công việc và có những phẩm chất đáng quý như tự tin, trung thành, trung thực và có trách nhiệm cao. Do đó, dù bạn làm việc ở vị trí nào đi chăng nữa thì những điều trên sẽ giúp bạn ghi điểm ưu với sếp. Hãy cố gắng hơn gấp nhiều nữa để bạn trở nên giỏi hơn, tốt hơn.
Chỉ cần bạn không ngừng phấn đấu, nỗ lực sếp sẽ thay đổi “cái nhìn” và thái độ với bạn, như vậy bạn đã thành công.
Kết nối tốt với đồng nghiệp
Đồng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong môi trường làm việc của bạn. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp xung quanh cũng là cách khẳng định giá trị của một người. Đồng nghiệp tốt sẽ bảo vệ cho bạn trước những đánh giá tiêu cực hoặc sai lầm của người khác.
Tạo dựng mối quan hệ bền chặt, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cũng giúp công việc được thuận lợi hơn. Đây là điều mà bất kì người làm lãnh đạo nào cũng đánh giá cao ở một nhân viên. Bên cạnh đó, nếu cả sếp lẫn đồng nghiệp có ác cảm thì đã đến lúc bạn nên nhìn nhận lại mình thực tế và khách quan hơn.
Lấy lại thiện cảm của sếp là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu và tinh thần cầu tiến của bản thân. Khiêm nhường và nghiêm túc để có hướng thay đổi tích cực. Đừng ngại tham khảo ý kiến của đồng nghiệp xung quanh về những khuyết điểm của bản thân để khắc phục. Nếu thực sự là một nhân viên có năng lực và phẩm chất tốt, bạn sẽ được sếp ghi nhận giá trị.
Đặng Hảo