Thay đổi vẻ bề ngoài
– Đầu của trẻ sơ sinh dường như khá to so với phần còn lại của cơ thể
– Mắt bé có thể có màu đỏ và mí mắt bị sưng, cũng có thể mắt bé bị lệch trong những tuần lễ đầu tiên.
– Da bé có thể bị khô và bong với một vài đốm đỏ. Mô ngực bé có thể sưng do lượng hóc-môn của bạn vẫn còn sót lại trong người bé.
Giấc ngủ của bé
– Trẻ sơ sinh thường không có kiểu ngủ nào cố định. Trẻ sơ sinh từ khi sinh ra hầu như ngủ suốt ngày và chỉ thức dậy mỗi khi bú sữa, thường ngủ từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày trong tuần đầu tiên.
– Vào thời điểm trẻ được một tháng tuổi sẽ ngủ từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, cứ sau khoảng 2-4 giờ bé lại thức dậy, bú và ngủ lại., bất kể ngày hay đêm.
Ảnh minh họa: nguồn internet
Phản xạ tự nhiên của bé
– Phản xạ bú: Trẻ sơ sinh luôn tìm kiếm núm vú mẹ để bú sữa. Khi có bất kỳ vật gì chạm vào khóe miệng của bé, bé sẽ quay đầu lại, mở miệng và làm động tác bú trong khi bàn tay thì bắt đầu có dấu hiệu vuốt ve.
– Phản xạ mút: Mút là phản xạ tự nhiên thứ hai sau phản xạ bú. Khi môi của bé chạm vào vật gì, bé sẽ có xu hướng mút một cách tự nhiên. Bé cũng có phản xạ đưa tay lên miệng mút ngón tay hoặc cả bàn tay. Tuy nhiên, trẻ sinh non hơi khó khăn khi thực hiện phản xạ này.
– Phản xạ giật mình: Một trong những phản xạ đặc trưng ở bé là giật mình. Bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào ở giường (cũi) trong lúc bé đang ngủ đều khiến bé giật mình. Đây là phản xạ cơ bản nhất để xác định mức độ phát triển của bộ não. Nếu không có loại phản ứng này, tức là não trẻ không bình thường, các cha mẹ cần phải đặc biệt coi trọng.
– Phản xạ nghẹo cổ: Khi đặt trẻ nằm sấp, cái cổ non yếu của bé sẽ cố ngóc đầu lên một tí rồi nghẹo về một bên với cánh tay duỗi thẳng. Cánh tay bên phía đối diện uốn cong giống như bé đang nắm một thanh kiếm.
– Phản xạ tự vệ: Bé sẽ co người lại khi được đụng chạm, hoặc nheo mắt khi gặp ánh sáng. Khi bạn vỗ nhẹ vào một bên đùi thì chân bé tự động rụt lại.
Ảnh minh họa: nguồn internet
– Phản xạ cơ bản: Nếu bạn chạm vào má của bé, bé sẽ hướng về phía má vừa được chạm. Điều này được gọi là phản xạ cơ bản. Nó rất hữu ích khi bạn muốn cho bé ăn. Bé sẽ hướng về núm vú mẹ theo hướng mà bên má của bé được vuốt ve.
Sự phát triển trí tuệ và ý thức
– Khi trẻ mới sinh, trẻ hoàn toàn cần sự giúp đỡ và lệ thuộc người khác để được an toàn về thể chất và cảm xúc. Trẻ chưa ý thức về sự an toàn và chưa biết phân biệt người lạ, người quen nên cần được giám sát trẻ thường xuyên.
– Sự gắn bó giữa mẹ và con là mối quan hệ thể xác cũng như về tâm lý giúp trẻ sống còn và phát triển bình thường.Vì vậy cần tăng cường sự tương tác giữa mẹ và bé ngay từ những ngày đầu tiên sẽ làm phát triển trí tuệ, ý thức xã hội và tình cảm của trẻ. Trẻ có xu hướng gắn bó với người chăm sóc và bắt đầu phát triển cảm giác yêu thương, tin tưởng.
Sự phát triển thần kinh cảm giác của bé
– Thị giác: Trẻ có thể nhìn thấy các vật ở cách xa từ 20-30 cm – gần như bằng khoảng cách từ mắt bé đến mặt của người đang bế bé hoặc cho bé bú.
Ảnh minh họa: nguồn internet
– Thính giác: Trẻ thường thích những âm thanh thay đổi, chẳng hạn như giọng nói hay tiếng hát, hơn là những âm thanh đều đều. Trẻ đặc biệt “hưng phấn” và rất thích nghe giọng nói và tiếng hát của người lớn.
– Xúc giác: Người lớn có thể sờ, chạm và nựng bé một cách rất tự nhiên. Chạm vào bé là động tác rất khẽ nhưng làm bé cảm thấy an toàn và an tâm. Hầu hết mọi đứa trẻ đều thích được mơn trớn, chúng thường sẽ thư giãn và rúc vào lòng người đang bế chúng. Trẻ thích cảm nhận nhiều chất liệu khác nhau như : khăn tắm, tã lót, nước, quần áo và làn da của người lớn.
– Vị giác và khứu giác: Trẻ có thể nếm và ngửi. Trẻ sơ sinh dường như thích hương vị sữa mẹ. Chúng thường chun mũi khi được cho bú thứ gì đó có vị chua và quay đầu sang nơi có mùi rõ ràng. Trẻ cũng không thích uống những chất đắng, chua nhưng rất thích ngọt, nếu bị ép, trẻ sẽ có những biểu hiện như nhăn mặt, khóc,…
Tăng trưởng của bé trong tháng đầu tiên
Mỗi em bé khi sinh ra đều có hình dáng và kích thước khác nhau. Cân nặng trung bình của em bé khi sinh ra tại Việt Nam là 3kg, và phần lớn các em bé sơ sinh có số cân nặng từ 2,5kg đến 4kg. Trẻ đẻ đủ tháng, tháng đầu tăng trung bình khoảng 600 gam và chiều cao trong tháng đầu tiên có thể tăng từ 2-3 cm.
Trong tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh đang làm quen với thế giới lớn và bạn làm quen với việc chăm sóc nhu cầu cần thiết cho bé nhiều hơn. Điều quan trọng là phải nhớ rằng trẻ sinh non sẽ không theo các mốc thời gian chính xác, mốc thời gian sẽ theo ngày lâm bồn, chứ không phải theo ngày bé sinh ra. Những em bé được sinh ra trước một tháng có thể sẽ mất thêm một tháng để bắt kịp với các bé khác.
Sự phát triển của bé tháng thứ nhất
Theo NTD