Nguyên nhân khiến trẻ bỏ bú mẹ
Trẻ bị bệnh, bị nghẹt mũi, bị nấm miệng.
Trẻ quá nhỏ (dưới 1.800gr), không đủ sức mút vú mẹ.
Trẻ xa mẹ, không được bú thường xuyên, không có sự tiếp xúc da kề da (hơi ấm) của mẹ (cần gần gũi ẵm bồng và nói chuyện với trẻ thường xuyên, khi cho bú cũng như lúc trẻ chơi. Nên để mẹ ngủ cùng con, cho trẻ bú nhiều lần bất cứ khi nào trẻ muốn).
Trẻ bú bình (nếu cần thì cho trẻ uống sữa bằng muỗng hay ly).
Tư thế bú sai, khiến trẻ không ngậm bắt vú tốt (cần bế trẻ đúng tư thế, đầu và thân thẳng hàng, bụng áp sát bụng mẹ, đỡ vai mông trẻ, mũi trẻ phải đối diện vú mẹ)…
Cách khắc phục:
Nếu bé lười bú do bệnh tật… thì biếng ăn là chuyện đương nhiên, tốt nhất nên đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị bệnh, phải kiên trì dỗ dành cho trẻ ăn ít một, chia thành nhiều bữa trong ngày, khi khỏi bệnh trẻ sẽ thèm ăn trở lại. Lúc này cần phải cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường.
Cho trẻ bú nhiều lần theo nhu cầu, nếu trẻ lười bú người mẹ cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa cho trẻ uống. Tuổi từ 2 tháng trở lên bắt đầu trẻ thích quan sát và hóng chuyện, giờ bú hai mẹ con phải vào buồng riêng không có người khác, không có tiếng tivi… để trẻ tập trung bú.
Không nên để trẻ bỏ bú sớm vì “chỉ có sữa mẹ mới cung cấp các vitamin, khoáng chất, chất miễn dịch một cách cân đối và dễ hấp thu nhất.
Như vậy trẻ bỏ bú mẹ có thể do nhiều nguyên nhân. Cần tìm ra để có cách giải quyết đúng nhất. Nên cho trẻ bú mẹ đến 12 – 24 tháng tuổi, chỉ khi nào mẹ đi làm, mẹ bệnh hoặc vì lý do bất khả kháng nào đó thì mới phải tập cho bé bú bình.
Trẻ bỏ bú mẹ và cách khắc phục?
Theo NTD