VAI TRÒ CỦA ĐẠM
– Đạm (Protein) là yếu tố tạo hình chính, tham gia vào thành phần các cơ bắp, máu, bạch huyết, hormone, men, kháng thể, các tuyến bài tiết và nội tiết. Protein còn liên quan đến mọi chức năng sống của cơ thể như tuần hoàn, hô hấp, sinh dục, tiêu hóa, bài tiết hoạt động thần kinh và tinh thần…
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Bên cạnh đó Protein rất cần thiết cho chuyển hóa bình thường các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là các vitamin và chất khoáng. Protein còn là nguồn năng lượng cho cơ thể, 1g protein khi bị đốt cháy trong cơ thể có thể cho lại 4 Kcal.
– Ngoài ra protein có tác dụng lớn trong việc kích thích sự thèm ăn và vì thế nó giữ vai trò chính tiếp nhận các chế độ ăn khác nhau. Không một vi chất nào trong cơ thể có thể thay thế chức năng của protein.
– Nếu như thiếu protein gây ra các rối loạn quan trọng trong cơ thể như ngừng lớn hoặc chậm phát triển, mỡ hóa gan, rối loạn hoạt động nhiều tuyến nội tiết, thay đổi thành phần protein máu, giảm khả năng miễn dịch sinh học của cơ thể và tăng tính cảm thụ của cơ thể với các bệnh nhiễm khuẩn.
NHU CẦU THEO GIAI ĐOẠN CỦA TRẺ
Nhóm tuổi | Nhu cầu protid (g/ngày). Với năng lượng từ Pr 12 – 15%, NPU khẩu phần = 70% | Yêu cầu về tỷ lệ % Protid động vật |
< 6 tháng | 12 | 100 |
7 – 12 tháng | 21 – 25 | 70 |
1 – 3 tuổi | 35 – 44 | 60 |
4 – 6 tuổi | 44 – 45 | 50 |
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Chế độ ăn cho trẻ cần cân đối cả protid có nguồn gốc động vật và thực vật. Do nhu cầu của trẻ <6 tháng hoàn toàn chỉ cần protid động vật nên đó là lý do tại sao cho trẻ bú mẹ đến 6 tháng tuổi để trẻ nhận được hoàn toàn protid động vật, với trẻ nhỏ do như cầu protid thực vật là rất ít do vậy cho trẻ ăn bổ sung cần có gạo và rau xanh để cung cấp protid thực vật.
ẢNH HƯỞNG KHI THIẾU HOẶC THỪA ĐẠM
Thiếu đạm
– Thiếu hụt đạm sẽ dẫn đến cơ thể chậm tăng trưởng suy dinh dưỡng, mỡ hóa gan, thay đổi thành phần protein máu, rối loạn chức năng nhiều tuyến nội tiết, suy giảm miễn dịch, tăng tần suất nhiễm trùng.
– Thiếu đạm cũng sẽ dẫn tới một số hệ quả như trẻ gầy yếu đau nhức, tăng khả năng giữ nước, bong tróc, da khô hoặc phát ban…..khiến trẻ nhanh chóng giảm cân, cơ thể suy nhược, có trường hợp còn rơi vào trạng thái hôn mê, bất tỉnh hoặc nặng hơn có thể dẫn tới tử vong.
Thừa đạm
Chế độ ăn có hàm lượng đạm cao sẽ dẫn tới gia tăng hàm lượng một số axít amine trong huyết thanh (tyrosine, phenylalanine, methionine, valine, leucine v.v.) Mất cân đối về hàm lượng axít amine có thể ảnh hưởng tới cân bằng các hormon và sự phát triển của hệ thần kinh.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Béo phì: lượng protein nhận vào cao là yếu tố nguy cơ gây béo phì sau này. Khi quá dư thừa đạm thì đạm sẽ được chuyển thành chất béo và dự trữ ở mô mỡ.
– Chức năng thận bị ảnh hưởng: Khi có quá nhiều đạm sẽ dẫn đến tăng áp lực lọc cầu thận do đó ảnh hưởng đến chức năng thận gây mất nước, toan chuyển hoá và gây ra tình trạng mất Ca.
– Ngoài ra dư thừa đạm còn ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá và chức năng nội tiết của trẻ nhỏ.
Protein có vai trò quan trọng trong tăng trưởng, phát triển ở trẻ em tuy nhiên lượng protein cần thích hợp. Việc bổ sung đạm hợp lý giúp trẻ tăng trưởng và phát triển tốt. Tùy vào từng giai đoạn mà việc bổ sung đạm cho trẻ sẽ khác nhau. Rõ ràng thiếu hay thừa đạm đều sẽ gây ảnh hưởng cho trẻ.
Theo NTD