Tưa miệng, viêm miệng ở trẻ nhỏ

0
40
Khi bị tưa lưỡi, bé sẽ cảm thấy khó chịu, đau nhức dẫn đến biếng ăn.

 

Nguyên nhân và triệu chứng

 

Trẻ bị tưa hoặc viêm miệng thường do hai nguyên nhân:

 

Do nấm

 

Bệnh tưa là loại bệnh nấm biểu hiện dưới dạng những đốm trắng như cặn sữa trong mồm. Toàn bộ chỗ mọc nấm màu đỏ, đụng vào đau khiến các bé bỏ ăn. Hiện tượng này có thể xảy ratrong cả bộ máy tiêu hóa từ miệng tới hậu môn, biểu hiện là hậu môn của trẻ cũng đỏ. Trẻ cũng có thể bị nôn. Ngoài ra, có thể trẻ bị viêm đỏ ở bộ phận sinh dục. Một số nhà khoa học giải thích rằng trong quá trình người mẹ mang thai, sự thay đổi của các hóc môn trong cơ thể gây mất cân bằng về các tổ chức khác nhau của cơ thể. Sự mất cân bằng tồn tại này có thể khiến nấm gây tưa miệng phát triển và người mẹ có thể truyền nấm này sang con khi sinh. Do đó, nhiều trẻ có thể bị tưa miêng do nấm candida albicans ngay từ tuần đầu tiên sau sinh.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Do vi rút

 

Tưa miệng, viêm miệng cũng có thể do vi rút gây ra làm cho bên trong miệng của bé (má, lưỡi, lợi) có nhiều vết loét nhỏ, nằm dưới một lớp màng trắng. Khi màng trắng này bong ra, những vết loét càng đau rát làm cho bé không ăn được, vì việc tiếp xúc với thức ăn, dù là thức ăn lỏng, cũng làm bé đau. Hiện tượng này kéo dài trong 4 đến 5 ngày. Trong thời gian mang bệnh, bé chảy nhiều nước dãi, miệng hôi và có thể sốt tới 40 độ C.

 

Đó chính là 2 nguyên nhân khiến bạn vệ sinh răng miệng cho bé cẩn thận mà bé vẫn bị tưa miệng.

 

Chữa trị

 

Nếu trẻ bị tưa miệng do nấm

 

Nguyên tắc chữa trị là diệt nấm và kiềm hóa môi trường miệng vì loài nấm candida phát triển trong môi trường axit. Việc chữa trị này thường đơn giản nhưng cần làm đều đặn, thường xuyên.

 

Bôi dung dịch natri bicacbonat 5% nếu có (nếu không có dạng dung dịch thì bạn có thể pha một thìa café natri bicacbonat dạng bột trong 100ml nước đun sôi để nguội). Nên thấm dung dịch này vào một miếng gạc sạch rồi áp vào miệng hoặc quấn vào đầu ngón tay lau sạch vùng miệng cho trẻ sau các bữa ăn. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn một loại kem chống nấm để bôi miệng cho trẻ. Trong một số trường hợp, nếu trẻ bị kéo dài, biểu hiện viêm nhiều, bác sĩ có thể kê cho trẻ loại thuốc chống nấm. Ngoài ra, dân ta có kinh nghiệm dùng rau ngót rửa sạch, tráng bằng nước muối pha loãng rồi giã nhỏ, vắt lấy nước để lau miệng cho trẻ thay natri bicacbonat cũng có kết quả tốt. Để tránh bị đi  bị lại, việc chữa trị này nên kéo dài trong khoảng 2 tuần.

 

Người mẹ đang cho con bú lúc này cũng cần phòng bệnh cho hai bầu vú vì vú mẹ cũng dễ bị nhiễm nấm gây viêm nhiễm đầu vú hoặc nứt cổ gà do nấm từ bé lây sang khi bé ti. Bạn cũng nên lau rửa sạch hai đầu vú và quầng vú bằng dung dịch natri bicacbonat sau khi trẻ bú xong. Trong trường hợp cần thiết, bạn cũng phải bôi thuốc chống nấm. Nếu bạn phải bôi thuốc chống nấm, bạn cầu lau sạch trước mỗi lần cho con bú để tránh ảnh hưởng đến mùi vị của sữa mẹ.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Nếu trẻ bị viêm cả ở hậu môn và bộ phận sinh dục, bạn cần rửa 2 lần/ ngày (nhất là mỗi lần sau khi trẻ đi vệ sinh) bằng nước sạch, có pha chút thuốc sát trùng. Sau đó, bạn cần lau khô rồi có thể bôi cho trẻ một loại kem chống nấm hoặc xanh mê thy len. Kinh nghiệm dân gian thường rửa hậu môn và bộ phận sinh dục của trẻ bằng nước chè xanh, hoặc chè mạn, hoặc lá trầu không đun sôi để nguội. Bạn cầu lưu ý rửa sạch lá trước khi đun.

 

Nếu nguyên nhân là do vi rút

 

Bạn cần vệ sinh miệng cho trẻ sạch bằng cách lau miệng bằng gạc thấm nước muối sinh lý 9/1000 sau các bữa ăn. Sau đó có thể bôi cho trẻ một loại thuốc bôi miệng phù hợp theo ý kiến của bác sĩ.

 

 

 

Tưa miệng, viêm miệng ở trẻ nhỏ

 

Theo NTD