Thời kỳ tiền mãn kinh

0
67
Tiền mãn kinh (TMK) còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh nở và thời kỳ mãn kinh. TMK thường đến sau tuổi 40, kéo dài khoảng 4 năm cho tới khi mãn kinh hoàn toàn.
Tiền mãn kinh (TMK) còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp giữa thời kỳ sinh nở và thời kỳ mãn kinh. TMK thường đến sau tuổi 40, kéo dài khoảng 4 năm cho tới khi mãn kinh hoàn toàn.

 

Dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ TMK chính là sự rối loạn kinh nguyệt: chu kì dài hoặc ngắn hơn bình thường, kinh nguyệt ra quá ít hoặc quá nhiều.

 

Kinh nguyệt rối loạn là do lượng hormon estrogen bắt đầu rối loạn, buồng trứng nhỏ dần về kích thước dẫn tới công năng rụng trứng dần suy thoái, noãn bào trong buồng trứng đã hết, hoặc nếu còn thì không thể phát dục hoặc tiết ra progestagen, nội mạc tử cung không phát triển dày lên… Thời kỳ này kéo dài trong vòng một năm sau khi kinh nguyệt ngừng, gọi làthời kỳ mãn kinh.

 

Cùng với rối loạn kinh nguyệt, các cơ quan khác của cơ thể cũng bắt đầu trục trặc khi bước vào thời kỳ TMK. Do lượng estrogen giảm nên rất nhiều cơ quan như não, bàng quang và niệu đạo bị ảnh hưởng đầu tiên với các biểu hiện như giảm trí nhớ, khả năng định hướng và tính toán giảm sút; bàng quang và niệu đạo rất dễ bị viêm nhiễm do mỏng hơn và sức đề kháng giảm mạnh.

 

 

Ngoài hormon estrogen giảm, các hormon khác như progestagen và testosteron cũng giảm, khiến vú dần nhỏ đi, nhão và xệ xuống, da dần trở nên khô, xốp, không có tính đàn hồi, xuất hiện các vết nám mầu nâu, xuất hiện nhiều nếp nhăn; mí mắt và cằm thường bị chảy xệ, tóc khô, bạc và rụng nhiều.

 

Thời kì TMK mắt cũng dần bị lão hóa, khô, có màng, dễ bị đục thủy tinh thể; răng dễ bị viêm, sâu, tụt lợi… Ở giai đoạn TMK, do sự mất điều hòa của công năng hệ thống thần kinh thực vật cùng với sự mất ổn định của mạch máu khiến chị em hay bị chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi do máu lên não không đều, huyết áp không ổn định, tay chân có thể bị lạnh ngắt do quá trình tưới máu kém; tinh thần bất ổn, luôn lo lắng, căng thẳng, mất ngủ; hay bị buồn nôn, đầy bụng, bí đại tiện…

 

75 – 80% phụ nữ trong thời kì TMK có những triệu chứng trên, trong đó có tới 10% các triệu chứng ở mức nghiêm trọng, cần được quan tâm chữa trị. Những người nghiện rượu, thuốc lá, ăn cay và dùng nhiều đồ kích thích, tỉ lệ gặp những triệu chứng lên cao nhất, lên tới trên 70%. Đứng thứ 2 là những phụ nữ kinh nguyệt không đều, từ 40-85%. Cuối cùng những người kinh nguyệt đều đặn chỉ 17% có triệu chứng trên và thường là nhẹ.

 

Cùng với những biến động của các cơ quan trong cơ thể, thời kì TMK, phụ nữ cũng trải qua những thay đổi về tâm lý và tinh thần. Thay đổi thường gặp nhất chính là lo âu. Phụ nữ có thể lo âu vì bất cứ lý do gì, nhưng lo nhất là sự thay đổi về hình thức như đuôi mắt xuất hiện nếp nhăn, tóc bạc, ngực chảy xệ, tăng cân… khiến sức hấp dẫn với chồng, người tình và với cả xã hội không còn như trước. Chính sự lo âu, cộng với những xáo trộn do thay đổi nội tiết khiến nhiều chị em buồn vui thất thường, hoặc cáu gắt vô cớ.

 

 

Ngoài lo âu, rất nhiều chị còn mặc cảm về trí tuệ, về đóng góp của mình với xã hội và gia đình không còn được như trước, không còn bằng bạn bè, đồng nghiệp. Sự mặc cảm đó nếu không được giải tỏa sẽ khiến các chị ngày càng thu mình lại, có cảm giác cô độc, thấy cuộc sống tẻ nhạt, hoài nghi về giá trị tồn tại của mình, từ đó sinh ra trạng thái bi quan, tiêu cực, lo lắng, u uất, dễ kích động. Vấn đề này hay gặp nhiều ở phụ nữ lao động trí óc, thành đạt trong sự nghiệp, có vị trí nhất định trong xã hội.

 

Một thể biến đổi tâm lý nữa ở phụ nữ TMK là trở nên khó tính, cáu kỉnh, nói nhiều, hay xoi mói chuyện của người khác. Tất cả những thay đổi tâm lý nói trên sẽ dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe: Mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, tiêu hóa không tốt… nhiều người thậm chí còn bị tăng huyết áp trong thời gian này.

 

Tuy nhiên, không phải bất cứ phụ nữ nào cũng phải trải qua những biến động tâm lý và tinh thần như trên ở thời kì TMK. Theo nhiều nghiên cứu, thì biến động tâm lý nặng hay nhẹ, nhiều hay ít phụ thuộc rất nhiều vào tính cách, tình hình kinh tế, nhân tố môi trường… của mỗi cá nhân, chứ không phải do thay đổi nội tiết tố quyết định.

 

Những người tinh thần ổn định thì đến thời kỳ TMK, trạng thái tinh thần cũng tương đối ổn định. Phụ nữ nông thôn rất dễ vượt qua thời kì mãn kinh. Ngược lại, những phụ nữ có cuộc sống sung túc, điều kiện sống tốt, địa vị xã hội và tri thức tương đối cao… hay bị cú sốc tâm lý và cú sốc này duy trì trong thời gian tương đối dài.

 

TMK là giai đoạn sinh lý tất yếu đối với mọi phụ nữ bình thường và ai cũng phải trải qua. Vì thế, chị em nên chuẩn bị tâm lý thật tốt khi bắt đầu bước vào thời kì này để có thể dễ dàng vượt qua những khó khăn biến đổi của cơ thể và tinh thần. Các chị nên ăn uống đủ chất, tập TDTT hàng ngày để có sức khỏe tốt; luôn giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan, tư duy nhẹ nhàng để làm chậm sự suy thoái, kéo dài tuổi thọ. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm sẽ giúp người phụ nữ vượt qua thời kỳ TMK dễ dàng hơn.

 

 

Trong giai đoạn này, chị em cần đặc biệt chú ý tới việc tầm soát một số bệnh ung thư điển hình ở phụ nữ như ung thư vú, tử cung, nội mạc tử cung…

 

Theo thống kê, 40% phụ nữ bị ung thư vú và ung thư phần phụ chủ yếu là ở giai đoạn tiền mãn kinh và đã mãn kinh. Biện pháp cụ thể để phát hiện sớm nhất ung thư ác tính là kiểm tra sức khỏe toàn diện hàng năm, bao gồm: thể trọng, huyết áp, răng miệng, vú, kiểm tra phụ khoa. Ngoài ra, nên xét nghiệm nước tiểu, công năng gan, mỡ trong máu, chụp gan, phổi, tim… Các biện pháp kiểm tra này gần đây đã được phổ biến, giúp phát hiện chính xác không ít bệnh tiềm ẩn, bệnh nhân sớm được điều tri.

Thời kỳ tiền mãn kinh

 

Theo NTD