Siêu âm là gì?
Siêu âm là một phương pháp khảo sát hình ảnh học bằng cách cho một phần của cơ thể tiếp xúc với sóng âm có tần số cao để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Siêu âm không sử dụng các phóng xạ ion hóa (như X quang). Do hình ảnh siêu âm được ghi nhận theo thời gian thực nên nó có thể cho thấy hình ảnh cấu trúc và sự chuyển động của các bộ phận bên trong cơ thể kể cả hình ảnh dòng máu đang chảy trong các mạch máu.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Siêu âm là một khảo sát y học không xâm lấn (không gây chảy máu) giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị bệnh. Đặc biệt được sử dụng rộng rãi trong kiểm tra thai, cũng như theo dõi quá trình phát triển của thai nhi theo từng giai đoạn.
Mục đích của việc siêu âm thai
Siêu âm là một trong những cách nhanh nhất để phát hiện dị tật bào thai hoặc những rắc rối khác của mẹ và bé. Siêu âm thường được tiến hành cùng các xét nghiệm khác như Triple test, chọc dò ối, lấy mẫu nhung màng đệm (CVS).
Siêu âm nhằm mục đích xác nhận có thai hay không, loại trừ trường hợp thai ngoài tử cung, phát hiện tim thai, đánh giá bất thường… trong quý một của thai kỳ. Chẩn đoán dị tật thai, xác định sự phát triển của bào thai tương ứng với tuổi thai, vị trí rau bám, tim thai, tình trạng nước ối, nhau thai… trong tiếp quý hai và quý ba của thai kỳ.
Siêu âm có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Giống như nhiều kỹ thuật y khoa khác, siêu âm ngày càng được cải tiến về trang thiết bị cũng như kỹ thuật để quá trình thực hiện ngày càng diễn ra nhanh chóng, an toàn.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Siêu âm ko chỉ để thấy em bé trong bụng mà nó là một phương pháp phục vụ khám chữa bệnh có mục đích và nội dung rõ ràng vì vậy việc kiểm tra siêu âm nên giới hạn trong khuôn khổ khám chữa bệnh tại những thời điểm quan trọng của thai kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy siêu âm không gây ra ảnh hưởng gì đáng kể đối với người mẹ và cả thai nhi. Tuy nhiên, các bà mẹ mang thai không nên quá lạm dụng siêu âm, siêu âm thai quá nhiều không chỉ tốn kém về mặt kinh tế mà còn mất rất nhiều thời gian bởi những lần chờ đợi được thăm khám và siêu âm.
Ngoài ra, siêu âm chỉ giúp phát hiện các bất thường về hình thái – nghĩa là những gì nhìn thấy được – chứ không chẩn đoán được các rối loạn về chức năng. Có khi hình thái của cơ quan không bình thường nhưng chức năng vẫn tốt và ngược lại. Các rối loạn chức năng chỉ có thể phát hiện chính xác sau khi em bé ra đời. Vì vậy, cũng không nên quá lạm dụng nó.
Cần siêu âm bao nhiêu lần trong suốt thai kỳ?
Trong suốt thai kỳ, nếu không có gì bất thường thai phụ chỉ cần siêu âm 3 lần là đủ. Lần đầu vào tuần thứ 12-14 nhằm kiểm tra sức khỏe của phôi thai, số lượng thai, thai có phát triển bình thường hay không, dự tính ngày sinh… Lần 2 lúc thai 21 – 24 tuần, để chẩn đoán và theo dõi thai nghén, kiểm tra chiều dài tứ chi, đường kính sọ não, các cơ quan nội tạng. Lần thứ ba vào tuần thứ 30 – 32 nhằm phát hiện những khác thường về hình thái, hình dáng, khối lượng nước ối, thai chết lưu…
Ảnh minh họa: Nguồn Internet
Trường hợp đủ ngày sinh thai phụ nhưng vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ có thể siêu âm thêm lần thứ 4, thứ 5 để đánh giá quá trình chuyển dạ, khối lượng nước ối…
Ngoài ra, các bác sỹ cũng cảnh báo, siêu âm 3D, 4D không tốt hơn 2D như chúng ta vẫn tưởng. Thông thường, chúng ta chỉ cần làm siêu âm 2D, nếu có nghi ngờ thì mới chuyển sang chức năng 3D để xem thai có bị dị dạng không hoặc là những bất thường của thai trước khi sinh. Còn phương pháp siêu âm 4D thực chất cũng chỉ là siêu âm 3 chiều và có hình ảnh động.
Việc siêu âm là thực sự cần thiết trong thời gian mang thai, giúp kiểm tra sức khỏe của thai nhi và phát hiện sớm một số dị tật bất thường, tuy nhiên các bà mẹ không vì quá lo lắng hay tò mò mà lạm dụng, nên thăm khám theo chỉ định của bác sỹ sản khoa. Khi siêu âm, ngoài việc tìm đến các cơ sở tin cậy, các bà mẹ chỉ nên siêu âm ở các bác sỹ có chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh và có chứng chỉ siêu âm sản phụ khoa.
Ảnh hưởng của việc siêu âm đến thai nhi.
Theo NTD