Lưu ý mẹ bầu cận thị khi vượt cạn

0
47

Mẹ bầu cận thị cần lưu ý một sô thông tin khi vượt cạn.

Bạn sẽ sinh thường hay sinh mổ? Hẳn bạn đã bàn bạc với bác sĩ sản khoa của bạn về chuyện này. Nhưng đôi khi quyết định cuối cùng lại phụ thuộc vào bác sĩ nhãn khoa. Những sản phụ bị cận thị nặng hoặc có những vấn đề khác về mắt phải hết sức tôn trọng ý kiến của bác sĩ nhãn khoa.

Cận thị không phải chuyện đùa

Khoảng 15% những người bị cận thị có những thay đổi nơi võng mạc, nói cụ thể hơn võng mạc bị thoái hóa và mỏng đi so với bình thường. Điều này hết sức nguy hiểm vì có thể dẫn tới tình trạng bong võng mạc, dẫn tới mù mắt.

Hiện tượng cận thị như thế gọi là cận thị dạng phức tạp. Trường hợp này rất cần sự khám nghiệm kĩ càng của bác sĩ nhãn khoa. Vì sao quá trình sinh đẻ lại nguy hiểm đối với những phụ nữ bị cận thị? Khi rặn đẻ, cơ thể sản phụ chịu áp lực khá lớn, cần biết rặn đẻ đúng cách, nhưng một số chị em không biết cách rặn đẻ nên mọi sức lực dồn lên phần mặt.

Chính lúc này võng mạc mắt dễ có nguy cơ bị bong ra. Nếu bản thân võng mạc đã mỏng và yếu, đối với những người bị cận thị, thì khả năng bong võng mạc tăng lên vài lần.

Ảnh minh họa 

Chuẩn bị kĩ càng từ trước

Để tránh mọi biến chứng đáng tiếc, cần kịp thời đánh giá tình trạng mắt của người mẹ tương lai. Vào tuần thứ 10 – 14 của thai kì, nhất định phải đến khám bác sĩ nhãn khoa, kể cả trong trường hợp bạn không bị cận thị, vì trong quá trình mang thai thị lực có thể bị thay đổi, một vấn đề rất nhỏ có thể trở thành nghiêm trọng.

Ngoài việc khám bình thường, bác sĩ sẽ kiểm tra đáy mắt sau khi giãn đồng tử. Nếu bác sĩ không thấy có gì bất thường thì rất tuyệt, nhưng cần khám lại trước 4 tuần trước ngày sinh dự kiến. Khi đó bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng mắt và quyết định bạn sẽ sinh thường hay sinh mổ.

Nếu trong những ngày tháng mang thai, thỉnh thoảng bạn thấy bị hoa mắt, có những đốm lóe trước mắt hay mắt bị tối nhòa trong chớp nhoáng, hoặc nhìn hình dáng các đồ vật bị biến dạng, nghĩa là bạn đang có những biến chứng của bệnh cận thị, khi đó cần đi bác sĩ khám ngay.

Tùy theo tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sẽ kê đơn các loại thuốc thích hợp, hoặc điều trị bằng lazer hay can thiệp phẫu thuật. Sau quá trình trị liệu đó, thai phụ sẽ được đẻ thường.

Trong bất kì trường hợp nào thì quyết định cuối cùng của việc đẻ thường hay đẻ mổ vẫn thuộc về bác sĩ sản, bác sĩ nhãn khoa và đương nhiên là nguyện vọng của vợ chồng bạn. Để có quyết định đúng đắn, bạn phải có đầy đủ thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Học, học nữa, học mãi

Thị lực có thể bị suy yếu không chỉ do căng thẳng mắt quá mức. Ngay cả hiện tượng ốm nghén vào đầu và cuối thai kì cũng ảnh hưởng khá tiêu cực tới mắt. Để tránh những hậu quả xấu, cần tuân thủ một số quy tắc dưới đây:

– Ăn nhiều hoa quả tươi và rau. Trong các loại thực phẩm này có nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng củng cố thị lực. Cơ thể bạn rất cần được cung cấp đầy đủ vitamin A và E.

– Lưu ý tới việc sử dụng ánh sáng trong phòng, đừng để mắt bị quá căng thẳng, vì bản thân quá trình mang thai đã là một áp lực lớn đối với mắt. Đọc sách và làm việc trên máy tính với lượng đèn đủ sáng.

– Tới bác sĩ nhãn khoa khám định kì.

– Điều cần thiết nữa là học cách rặn đẻ. Bạn có thể học phương pháp này tại các khóa học tiền sản, hoặc tự học qua sách vở, bạn bè. Điều quan trọng cần nhớ là chỉ cần căng cơ bụng, còn phần mặt và cổ thì phải thả lỏng. Hãy tập hình dung là ở trên bụng bạn có vật gì đó đặt lên, dùng cơ bụng để đẩy vật đó.

– Cũng có những trường hợp khi mang thai “tình trạng” sức khỏe của mắt lại tốt hơn bình thường. Nguyên nhân là do thị lực kém bởi tắc nghẽn một số kênh mạch nào đó trong cơ thể, nhưng trong quá trình mang thai các kênh này lại lưu thông trở lại.

Ví dụ, do sự thay đổi vị trí của các cơ và xương mà các hiện tượng tụ máu trong mạch máu và chèn ép dây thần kinh biến mất.

– Bạn làm việc quá nhiều trên máy tính, thích xem ti vi hay mê đọc sách? Nếu vậy hãy làm bài tập đơn giản sau đây: Nhắm chặt mắt lại, đếm đến 20 rồi mở mắt ra. Lặp đi lặp lại ba lần.

Sự hỗ trợ của thiên nhiên

Mang thai là một thời cơ tuyệt vời để thay đổi quan niệm về cách sử dụng thuốc. Có rất nhiều loại bệnh được chữa khỏi mà không cần tới tân dược.

– Quả việt quất: Chứa nhiều các loại chất có ích, trong đó có chất anthocyanin có tác dụng giúp phục hồi sắc tố quang của võng mạc và chất rhodopsin có tác dụng cải thiện thị lực.

– Cà rốt: Quán quân về hàm lượng vitamin A cần thiết, nên ăn cà rốt với các thực phẩm từ sữa hoặc dầu thực vật, nếu không những chất bổ sẽ không hấp thụ được.

– Dầu thực vật: Có chứa nhiều vitamin E là chất tham gia vào quá trình tổng hợp enzyme, giúp khôi phục những tế bào võng mạc bị tổn thương, phòng chống hiện tượng đục thủy tinh thể. Vitamin E có chứa nhiều trong các loại dầu thực vật.

TH

Lưu ý mẹ bầu cận thị khi vượt cạn