Chuyển dạ đẻ là gì?
Là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra ngoài buồng tử cung qua đường âm đạo. Chuyển dạ đủ tháng là chuyển dạ xảy ra từ đầu tuần 38 đến cuối tuần 42, lúc này thai nhi đã có thể sống độc lập ngoài tử cung.
Những dấu hiệu chuyển dạ
Mỗi người có cảm giác chuyển dạ không giống nhau nhưng có những dấu hiệu gần như ai cũng thấy:
Ra nhầy hồng: Trong khi chuyển dạ, cổ tử cung mềm đi và các mao mạch quanh cổ tử cung vỡ ra đi ra ngoài theo dịch nhầy trở thành màu hồng.
Đau bụng: Sự co thắt tử cung và thay đổi sinh lý đặc biệt trong giai đoạn này khiến hầu hết sản phụ có cảm giác đau bụng mạnh.
Vỡ ối: Vỡ ối có thể sỷ ra vào bất kỳ lúc nào trong quá trình chuyển dạ. Có một số trường hợp bác sĩ chỉ định chọc vỡ ối.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Cơn co thắt: Cơn co thắt tử cung ngoài ý muốn của thai phụ. Đó là động lực cho cuộc chuyển dạ đưa thai nhi ra ngoài.
Cảm giác thai nhi di chuyển xuống: Đầu của thai nhi di chuyển xuống khung chậu nên có cảm giác thai nhi tụt xuống.
Thời gian chuyển dạ
Tùy vào cơ địa và tình trạng mang thai (con so, con dạ) của mỗi người khác nhau:
– Con so thời gian sổ thai không được vượt quá một giờ kể từ khi cổ tử cung mở hết.
– Con dạ không được vượt quá 30 phút.
Thời gian trung bình trong chuyển dạ: Hiện nay thời gian chuyển dạ đẻ cho bà mẹ được cho là bình thường khi trong khoảng 14 – 16 tiếng.
Các giai đoạn chuyển dạ
Giai đoạn 1: Giai đoạn này trong y khoa gọi là xoá mở cổ tử cung, tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết, giai đoạn này là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ . Thời gian trung bình của giai đoạn này là 15 giờ bao gồm:
– Giai đoạn 1a: từ khi cổ tử cung bắt đầu xoá đến khi cổ tử cung mở 3 cm gọi là pha tiềm tàng, thời gian 8 giờ.
– Giai đoạn 1b: từ lúc cổ tử cung mở 3 cm đến 10 cm (mở hết) gọi là pha tích cực, thời gian 7 giờ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Giai đoạn 2 (thời kỳ sổ thai)
– Giai đoạn sổ thai tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ ra ngoài, thời gian trung bình 30 phút, tối đa 1 giờ.
– Giai đoạn này được thực hiện nhờ 2 yếu tố: sức mạnh cơn co tử cung và sự co bóp các cơ thành bụng.
Giai đoạn 3 (Thời kỳ sổ rau): Là thời kỳ sổ rau, bắt đầu từ khi thai sổ ra ngoài đến khi rau bong, xuống và sổ rau ra ngoài cùng với màng rau, thời gian 15 – 30 phút.
Những biến chứng có thể gặp trong quá trình chuyển dạ
Tắc mạch ối : Đây là hội chứng nước ối tràn vào máu khi chuyển dạ đẻ, thường gây tử vong cho sản phụ và thai nhi. Tai biến này có thể xuất hiện ở bất cứ người nào, trong lần sinh con đầu hay con thứ.
Vỡ ối sớm: Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ. Còn vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết.
Dây rốn quấn cổ: Khoảng 1/3 số bé chào đời với dây rốn quấn cổ, tùy cấp độ khác nhau. Tuy nhiên,không phải trường hợp dây rốn quấn cổ nào cũng là nguy hiểm.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Rách âm đạo, cổ tử cung, tầng sinh môn, đứt cơ vòng: Khi sinh có các cơn co tử cung đẩy thai xuống làm cho cổ tử cung mở ra, âm đạo, âm hộ và các cơ ở vùng âm đạo cũng giãn dần để chuẩn bị cho thai lọt qua. Nếu thời gian chuyển dạ quá nhanh, người mẹ rặn mạnh và quá sớm khi cổ tử cung chưa mở hết hoặc các cơ vùng âm đạo, âm hộ chưa giãn đủ mức, sẽ gây rách các bộ phận này.
Băng huyết: Đây là một trong những biến chứng hay gặp nhất trong quá trình sinh nở. Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu không ngừng khi sinh, và có thể ảnh hưởng tới tính mạng của cả thai phụ lẫn thai nhi. Hiện tượng băng huyết xảy ra nhiều nhất là trong thời kỳ sổ rau.
Quá trình chuyển dạ đẻ trải qua một thời gian rất dài mà mất nhiều sức lực. Khi có những dấu hiệu chuyển dạ, phụ nữ mang thai cần báo cho người thân để đến ngay cơ sở y tế để theo dõi và xử trí, nhằm có một cuộc “vượt cạn” an toàn, tránh những biến chứng xấu xảy ra.
Theo NTD