Có lẽ bạn chưa biết khi tắm cho con chính là khoảng thời gian cả mẹ và bé đều cảm thấy rất vui vẻ, hạnh phúc.
1. Điều bé thực sự cần là cha mẹ, người thân và những người thương yêu bé luôn ở bên vuốt ve, nựng nịu và chơi đùa với bé, mà tắm lại là một cơ hội rất tuyệt vời để làm được điều này.
Tắm đóng vai trò không nhỏ trong việc rèn luyện cho bé có thói quen sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh thân thể
Tắm cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc rèn luyện cho bé có thói quen sạch sẽ và giữ gìn vệ sinh thân thể. Theo các bác sĩ, tắm gội là một hoạt động mà con người cần tiến hành định kỳ.
2. Nếu lần đầu làm mẹ và chưa biết cách tắm cho con, bạn đừng ngần ngại hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh, học hỏi qua sách báo và thậm chí có thể hỏi tư vấn của bác sĩ hoặc y tá sản khoa.
Đây thực chất là một liệu pháp tâm lý vì khi bạn có lòng tin mình sẽ tắm được cho bé thì bạn và cả bé đều càng cảm thấy an toàn. Khi tắm cho bé, bạn có thể hát một bài hát có giai điệu nhẹ nhàng hoặc nói chuyện với con, đồng thời khuyến khích bé chơi trò té nước, đạp nước. Làm được như vậy, đảm bảo rằng lúc tắm cho bé chính là khoảng thời gian hai mẹ con cảm thấy rất hạnh phúc đấy!
3. Thông thường trẻ sơ sinh hay thích tắm trong bồn (chậu) tắm nhỏ, bởi bé cảm thấy tắm trong bồn (chậu) tắm lớn sẽ bị chìm xuống nước, giống như ta ra bể bơi mà không biết bơi nên rất sợ chết đuối hoặc sặc nước vậy.
Trước và trong khi tắm, bạn nên chú ý đến nhiệt độ nước tắm và nhiệt độ phòng tắm. Ngoài ra, không nên dùng xà phòng, dầu gội đầu hoặc khăn tắm có hoá chất gây kích ứng cho da bé.
Đối với những bé lớn hơn, cha mẹ cần dùng một vòi nước có khoá an toàn để tránh trường hợp bé nghịch ngợm mở vòi làm nước xối thẳng vào mặt, miệng gây sặc nước.
Sau khi tắm xong, cần lấy khăn bông khô làm bằng chất liệu thấm nước, mềm mại và đủ to để quấn kín người bé.
4. Đôi khi, chỉ cần biết và “nương” theo sở thích của bé là bạn đã có thể giải quyết vấn đề tắm gội cho con một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Ví dụ, nếu bé thích tự tắm, bạn cứ để bé làm việc này (tất nhiên dưới sự giám sát của người lớn) mà không nên ngăn cản. Bạn cũng có thể mang theo đồ chơi vào phòng tắm cho con.
Bên cạnh đó, khi tắm cho bé, hãy để bé quyết định xem nước có ấm không, đã đủ lượng nước chưa… Nói một cách tổng thể là hãy để cho bé có tiếng nói “có trọng lượng” về các vấn đề này trong phòng tắm. Bằng cách này, bạn sẽ hạn chế được tối đa các tiếng la khóc, mè nheo và các trường hợp xảy ra “xung đột” giữa hai mẹ con.
5. Khi biết ngồi chính là khoảng thời gian bé học cách tự tắm cho mình. Hãy tán thưởng, khen ngợi và cổ vũ những nố lực của bé trong quá trình “học tập” này.
6. Hãy hướng dẫn bé cách tắm, kỳ cọ từng bộ phận trên cơ thể một cách cụ thể, tỉ mỉ nhưng không áp đặt. Đây cũng là một cách gián tiếp để bé học tên và biết chức năng của từng bộ phận trên cơ thể.
7. Có nhiều bé càng lớn thì càng sợ tắm hoặc vì mải chơi mà luôn tìm cách trì hoãn việc tắm gội. Hãy tỏ rõ sự nghiêm túc và kiên quyết giữ vững lập trường trong vấn đề tắm gội của con để bé hiểu rằng dù có gào khóc, mè nheo hay dùng cách nào đi chăng nữa thì việc tắm cho bé vẫn được tiến hành đúng như kế hoạch.
Hải Hà