Tóm Tắt Nội Dung
Không chỉ có ăn và ngủ như trước, bước vào tuổi biết đi, bé sẽ khiến bạn bận rộn hơn rất nhiều vì sự hiếu động và ưa khám phá của mình.
Nếu không cẩn trọng trong quá trình chăm bé, bạn rất dễ gặp phải 5 sai lầm dưới đây:
Không tập cho trẻ ngủ đúng giờ
Thật khó để lên lịch ngủ nghỉ cho những đứa trẻ đang vào độ tuổi tò mò, hiếu động và thích khám phá. Nhưng sẽ rất tai hại nếu để cho bé ngủ lúc nào bé muốn và bất cứ đâu bé thích. Ngủ trong xe đẩy, trên ghế xe hơi, thậm chí ở trên nền nhà sẽ khiến giấc ngủ của bé chập chờn, không sâu giấc.
Hãy ép trẻ đi vào khuôn khổ theo thời gian ngủ đã được định sẵn
Hãy ép bé đi vào khuôn khổ, theo một lịch ngủ được định sẵn. Ban đầu có thể sẽ khó khăn nhưng sau đó bé sẽ dần đi vào quỹ đạo. Trẻ trong độ tuổi biết đi (1-3 tuổi) cần ngủ 12-14 tiếng/ ngày. Bạn nên tập cho bé ngủ trưa khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Buổi tối, bạn nên cho trẻ ngủ vào khoảng 19-21h và thức dậy trong khoảng 6-8h sáng (tùy thuộc vào nhịp sinh học của bé và giờ giấc sinh hoạt của gia đình bạn).
Làm hết mọi việc cho con
Đa phần các ông bố bà mẹ đều rất xót xa khi con bị ngã và thường lập tức chạy đến đỡ bé dậy. Họ không biết rằng làm như vậy sẽ nuôi dưỡng tính ỷ lại cho bé. Hãy để bé tập cách tự đứng dậy và chỉ giúp đỡ khi thực sự cần thiết. Việc giúp đỡ con trong tất cả mọi việc sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là bạn tưởng.
Hãy để trẻ tự làm những việc trẻ có thể làm thay vì làm hết mọi việc cho con
Đôi khi bạn cần tỏ ra lạnh lùng một chút để bé hiểu mình phải tranh đấu từ những việc nhỏ nhất. Và đừng quên sức mạnh của những lời động viên, khuyến khích hay khen tặng khi bé hoàn thành tốt một điều gì đó.
Mắc bệnh nói nhiều
Nói chuyện với trẻ là một cuộc đối thoại tuyệt vời. Nhưng sẽ là phản tác dụng nếu bạn có ý định giảng giải, giaỉ thích dài dòng về hành vi sai trái của bé. Bé còn quá nhỏ để hiểu được bài hùng biện ” giáo dục về ý thức của bạn. Thay vì giải thích rất nhiều, hãy học nói “không” một cách dứt khoát với những đòi hỏi của trẻ.
Nói nhiều mà không có hành động cụ thể sẽ khiến trẻ không sợ
Nói ngắn và nhìn bé bằng ánh mắt thật nghiêm khắc (để bé hiểu rằng bạn không hề đùa) khi đưa ra yêu cầu cho bé. Nếu trẻ không làm theo hãy đưa ra một câu cảnh báo hoặc một hình phạt kiểu: “Nếu con không…bố/mẹ sẽ…”. Nếu bé vẫn bướng bỉnh, hãy thực hiện hình phạt ngay lập tức.
Vô tư dùng chung đồ với con
Không khó để tìm một bà mẹ dùng thìa bón cháo cho con để nếm xem món ăn đó đã ngon chưa rồi mới cho con ăn. Thậm chí các bà mẹ còn đút thìa có thực ăn vào miệng mình để xem nó nguội chưa trước khi cho trẻ ăn hoặc nhai cơm cho con ăn… Việc này không gây hậu quả ngay lập tức nhưng là cách hoàn hảo để truyền các vi khuẩn gây sâu răng và các mầm bệnh khác trong miệng của bạn cho trẻ.
Không nên dùng chung đồ với trẻ vì có thể truyền bệnh của mẹ sang cho bé
Bạn hoàn toàn có thể xem món ăn đó đã ngon và nguội chưa trước khi cho bé ăn và việc duy nhất bạn nên làm là dùng một chiếc thìa khác để bón cho bé.
Dụ trẻ ngủ bằng sữa và nước trái cây
Nha sỹ Micjael Ignelzi, phát ngôn viên của Học viện Nha khoa Nhi đồng Hoa Kỳ nhận định rằng: “Cách làm này được khá nhiều bà mẹ áp dụng khi trẻ không chịu ngủ nhưng nó sẽ khiến các bé bị sâu răng”. Khi trẻ em nhâm nhi sữa hoặc nước trái cây, vi khuẩn gây sâu răng sẽ chuyển hóa lượng đường từ các loại đồ uống này thành acid gây hại cho men răng của trẻ.
Không nên cho bé vừa ngủ vừa uống sữa hoặc nước trái cây
Sau khi cho trẻ uống sữa và nước trái cây các bà mẹ nên cho trẻ uống nước để hạn chế sâu răng. Khi trẻ lớn hơn chút nữa có thể tạo lập thói quen đánh răng cho trẻ.
Lam Anh