6 câu hỏi phỏng vấn thường gặp khi tìm việc trong nhóm ngành dịch vụ

0
95

Nhóm ngành dịch vụ bao gồm khá nhiều ngành nghề như du lịch, nhà hàng, làm đẹp, đại lí phân phối sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, ô tô, điện máy, thiết bị điện tử…

Với đặc điểm là “ngành tổng hợp” đa dạng, phong phú nên đòi hỏi lực lượng lao động lớn, từ phổ thông đến trung cấp và cao cấp. Với một số đặc thù riêng, nhân sự hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng cần có một số tiêu chí riêng để đáp ứng tốt cho công việc. Khi phỏng vấn ứng viên trong ngành này, các nhà tuyển dụng cũng có cách kiểm tra và tuyển chọn ứng viên theo cách đặc biệt của ngành. Sau đây là một số câu hỏi mà ứng viên rất thường gặp phải khi phỏng vấn tìm việc trong ngành này, hãy cùng tham khảo nhé.

Triết lý riêng của bạn về ngành dịch vụ là gì?

Dù bạn tìm việc làm ở Đồng Nai, Bình Dương hay tỉnh thành khác, chắc chắc bạn cần phải hiểu về ngành nghề mình đang ứng tuyển. Câu hỏi này nhằm tìm hiểu xem bạn hiểu như thế nào về ngành dịch vụ, về khách hàng và điều cốt lõi tạo nên giá trị hay thành công của một sản phẩm, thương hiệu, dịch vụ… Hiểu đúng về vai trò và vị trí của khách hàng đối với sự sống còn của doanh nghiệp giúp bạn có cách nhìn nhận chính xác. Luôn coi trọng, trăn trở và thấu hiểu nhu cầu để mang lại dịch vụ hài lòng cho khách hàng bất kể họ là ai, thuộc tầng lớp nào, mang đến doanh thu nhiều hay ít…

Bạn yêu thích những điểm nào ở ngành dịch vụ?

Nếu không yêu thích ngành nghề này, bạn sẽ dễ dàng có thái độ tiêu cực khi phục vụ khách hàng. Như vậy sẽ làm mất khách hoặc nhận được những phản hồi không tốt. Muốn làm việc trong nhóm ngành dịch vụ, bạn nhất định phải có lòng yêu thích. Khi có niềm say mê bạn sẽ cảm thấy công việc không còn là gánh nặng mà chính là niềm hứng khởi. Bạn sẽ có được sự hào hứng và vui vẻ khi làm việc. Đây là điểm quan trọng khi khách hàng có quyết định sử dụng hay không và đánh giá chất lượng dịch vụ cao hay thấp.

Bạn có nắm rõ các tiêu chí để thành công khi làm việc này?

Câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn kiểm tra xem liệu bạn đã biết và chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng để bắt đầu công việc hay chưa. Bên cạnh năng lực chuyên môn, bạn có nhận biết và lường trước được các khó khăn hay yêu cầu khi làm việc. Chẳng hạn sự kiên nhẫn, nhiệt tình, vui vẻ, linh hoạt, khả năng quan sát, làm chủ cảm xúc… Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp và nắm bắt tâm lí khách hàng cũng là các tiêu chí hàng đầu giúp bạn thành công.

Mục tiêu trong tương lai của bạn là gì? (3 tháng, 1 năm, hay 5 năm…)

Nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có đặt ra mục tiêu gì cho sự phát triển nghề nghiệp hay không. Đó có thể là một mốc thời gian cố định, ngắn hạn như 3 tháng… hay dài hạn như 5 năm hay thậm chí 10 năm sau. Nếu tiếp tục công việc tại đây thì bạn có phấn đấu để thăng tiến lên vị trí cao hơn, trở thành chuyên gia trong ngành hay thậm chí có hướng thành lập doanh nghiệp riêng của mình hay không? Qua đó, họ cũng muốn định liệu phần trăm khả năng bạn có trở thành một nhân viên tiềm năng và gắn bó lâu dài với công việc ứng tuyển hay không.

Cách bạn đo lường sự hài lòng của khách hàng là gì?

Thông thường, không có một con số cụ thể đo lường sự hài lòng của khách hàng. Tuy nhiên, ngành dịch vụ sẽ dựa vào các thông số sau: Số khách hàng sử dụng lặp lại dịch vụ; Số khách hàng mới; Số khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới; Số khách không hài lòng (hoặc cho phản hồi không tốt), Doanh thu về sản phẩm cụ thể…

Bạn có thể tìm hiểu và tham khảo các thông tin trên để đưa ra câu trả lời hợp lý nhất cho đặc trưng công việc cụ thể của mình.

Bạn sẽ ứng phó như thế nào nếu gặp khách hàng khó tính?

Câu hỏi này để kiểm tra sự “chiều khách” của bạn và cách mà bạn làm việc với một vị khách không hề dễ chịu. Nếu gặp phải câu hỏi này bạn đừng bối rối. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết mình hoàn toàn tự tin và chuyên nghiệp khi làm việc với bất kể đối tượng khách hàng nào, dù khó tính đến mấy.

Tất cả các câu hỏi trên nhằm kiểm tra phẩm chất và kỹ năng của bạn. Một nhân viên thuộc nhóm ngành dịch vụ cần có nền tảng kiến thức văn hóa tốt, am hiểu thị trường, tìm hiểu đối thủ và hiểu rõ vị thế của sản phẩm, thương hiệu. Ngoài ra, nhân viên ngành dịch vụ phải có kỹ năng giao tiếp tự tin, khéo léo, điềm tĩnh, làm chủ cảm xúc tốt để ứng phó khôn ngoan với các tình huống bất ngờ xảy ra. Người làm ngành này còn phải có phẩm chất cực kì quan trọng, đó là nhiệt tâm, tận tình, tôn trọng khách hàng bất kể họ thuộc tầng lớp nào. Đó chính là đạo đức nghề nghiệp và là cơ hội được mở ra cho người nhiệt tâm, yêu nghề.

Đặng Hảo