5 bí quyết giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp

0
76

Giao tiếp hiệu quả là một trong những kỹ năng mềm quan trọng nhất mà chúng ta cần có, đặc biệt là đối với nhân viên văn phòng. Sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt không chỉ giúp bạn xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp mà còn là bước đệm để nắm bắt những cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Vậy bí quyết để cải thiện kỹ năng giao tiếp là gì?

Hãy tham khảo ngay 5 gợi ý dưới đây để chinh phục nhà tuyển dụng khi tìm việc nhanh online và phát triển hơn nữa trong sự nghiệp.

Duy trì cảm xúc tích cực khi giao tiếp

Những cuộc giao tiếp hiệu quả là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác dễ chịu, sự thân thiện và gần gũi giữa mọi người. Thái độ giao tiếp thân mật đi cùng cảm xúc tích cực sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với đồng nghiệp và mọi người xung quanh hơn.

Việc diễn đạt bằng sự chân thành, tự nhiên đúng với tính cách của bạn cũng sẽ giúp người đối diện cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện và dễ dàng bộc lộ tính cách hay thành thật chia sẻ với bạn. Đừng cố gồng mình tỏ ra hiểu biết hơn người, hay thể hiện phong cách không thuộc về bạn như bày tỏ thái độ quá mức cần thiết, vì điều này là con dao hai lưỡi sẽ khiến mọi người không thích bạn hoặc cảm thấy bạn như đang “diễn”. Lâu dần, mọi người sẽ không còn hứng thú nói chuyện với bạn và dần trở nên xa cách.

Trình bày rõ ràng, đúng trọng tâm và dễ hiểu

Khi giao tiếp hay thuyết trình, việc trình bày vấn đề rõ ràng, rành mạch, dễ hiểu là cách truyền đạt hiệu quả nhất. Để làm được điều này, trước tiên bạn cần học cách nói một cách rõ ràng, chậm rãi và âm lượng đủ lớn để mọi người đều nghe được. Tiếp theo, bạn cần sử dụng ngôn từ phổ thông, tránh tối đa các từ ngữ địa phương, các từ ngữ quá chuyên môn hoặc tối nghĩa. Trong khi trò chuyện, hãy tự tin ngẩng cao đầu và nói chuyện một cách thoải mái như khi bạn nói chuyện với bạn bè để giảm áp lực, hồi hộp.

Trong tường hợp bạn là người rụt rè, nhút nhát trước đám đông, đừng vội vã lên tiếng và sử dụng nhiều từ dư thừa như “à, ừ, ừm…”. Hãy hít thở thật sâu và suy nghĩ vài giây trước khi nói ra những ý tưởng của mình. Đừng để sự lo lắng, hồi hộp tố cáo sự thiếu tự tin và thiếu chuyên nghiệp của bản thân.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần học cách loại bỏ lối nói chuyện vòng vo, đi xa chủ đề của cuộc đối thoại bởi điều này sẽ giảm tính thuyết phục của lời nói cũng như khiến mọi người đánh giá thấp khả năng tiếp nhận thông tin cũng như khả năng diễn đạt của bạn.

Lắng nghe trước khi lên tiếng phản biện

Lắng nghe là vũ khí quyết định hiệu quả khi giao tiếp. Một cuộc trò chuyện được coi là thành công và tuyệt vời khi ở đó mọi người lắng nghe nhau và cùng chia sẻ. Lắng nghe không chỉ để tiếp nhận trọn vẹn thông tin mà còn thể hiện sự tôn trọng đối phương và kết nối với mọi người một cách tốt nhất.

Lắng nghe toàn bộ câu chuyện sẽ giúp bạn hiểu rõ thông điệp mà người đối diện muốn truyền tải, tránh việc ngắt lời giữa chừng hoặc phản biện không đúng thời điểm khiến mọi người cùng khó chịu. Đồng thời, thông qua cách lắng nghe người khác, bạn sẽ khám phá và học hỏi được cách thức giao tiếp, ngôn từ cũng như kỹ năng của họ. Điều này sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm cho bản thân và cải thiện kỹ năng giao tiếp mỗi ngày.

Kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Ngoài giọng nói, ánh mắt, cử chỉ cơ thể cũng góp phần tạo nên hiệu quả khi giao tiếp. Ngôn ngữ cơ thể sẽ là chìa khóa kỳ diệu giúp bạn biểu đạt được tối đa cảm xúc khi trò chuyện để thu hút mọi người vào nội dung bạn đang đề cập. Đó có thể là ánh mắt long lanh, nụ cười tươi, cái lắc đầu hoặc những động tác tay phù hợp với từng nội dung câu chuyện mà bạn trao đổi với người đối diện.

Kết hợp ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp thể hiện sự tự tin, thoải mái của người nói, đồng thời kích thích đối phương muốn tiếp tục lắng nghe bạn nói. Hãy tập cho mình thói quen sử dụng ngôn ngữ cơ thể khi nói chuyện bởi đây cũng là phương pháp hữu hiệu giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp.

Khéo léo tiếp nhận ý kiến trái chiều

Trong giao tiếp, chúng ta không thể tránh khỏi sự bất đồng ý kiến hay những xung đột về khác biệt văn hóa, quan điểm… Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, thay vì nổi nóng và thể hiện thái độ bức xúc ra mặt, bạn nên bình tĩnh và sử dụng sự khéo léo để giải quyết chúng.

Việc đưa ra những lời lẽ hợp lý để khẳng định quan điểm cá nhân của mình nhưng đồng thời vẫn tiếp nhận ý kiến của người đối diện, không phủ nhận quan điểm của họ để giảm tính căng thẳng của cuộc giao tiếp là điều cần thiết. Vốn dĩ, mỗi người đều có suy nghĩ và tư duy khác nhau, không thể lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận. Vậy nên, luyện tập được kỹ năng tiết chế cảm xúc và ứng xử một cách khéo léo, bình tĩnh khi tiếp nhận ý kiến trái chiều sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong quá trình cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Huyền Nguyễn.