Viêm rốn ở trẻ sơ sinh

0
60
Thời gian rụng rốn ở mỗi trẻ là khác nhau, nhìn chung là từ 1 – 2 tuần sau khi sinh. Vì cuống rốn và mạch máu thông nhau, nếu chăm sóc không tốt, vi khuẩn có thể xâm nhập, nhẹ thì dẫn đến viêm xung quanh rốn, nặng sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn máu và làm có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

 

Viêm rốn là tình trạng cuống rốn sau khi sinh bị nhiễm khuẩn, có thể khu trú hoặc lan rộng, không còn ranh giới bình thường giữa da và niêm mạc rốn chỗ thắt hẹp và vùng xung huyết sẽ lan rộng ra thành bụng kèm phù nề, rỉ dịch hôi, đôi khi có mủ.

 

Rốn của trẻ thường bao gồm:  2 động mạch và 1 tĩnh mạch. Khi còn trong bụng mẹ, trẻ được nuôi dưỡng bởi tuần hoàn rau – thai. Nhưng khi trẻ ra đời, tuần hoàn rau – thai chấm dứt, phổi bắt đầu hoạt động, các mạch máu rốn sẽ xẹp và xơ hóa. Quá trình này thường kéo dài 6 – 8 tuần sau đẻ, có trường hợp đến 9 – 11 tuần. Nếu chăm sóc rốn không tốt, vi khuẩn có thể vào các mạch máu, gây viêm nhiễm.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Nguyên nhân gây viêm rốn cho trẻ

 

Viêm rốn ở trẻ sơ sinh do khi cắt rốn hoặc đầu dây rốn sau sinh bị nhiễm khuẩn. Phần rốn sau khi sinh thường bị ẩm ướt, dễ tích tụ chất bẩn, hơn nữa dịch máu mủ đọng lại sau khi cắt rốn là cơ sở tốt để vi khuẩn hoạt động, gây viêm nhiễm nếu không được vệ sinh tốt.

 

Viêm rốn ở trẻ sơ sinh có hai dạng là:

 

– Viêm rốn có mủ

 

– Viêm mạch máu rốn

 

Biểu hiện, triệu chứng

 

Viêm rốn có mủ

 

Ở dạng viêm này thì sẽ có một số triệu chứng điển hình sau:

 

– Chân rốn tấy đỏ, phù nề, có mùi hôi, luôn ẩm ướt

 

– Chảy mủ vàng và lâu rụng.

 

– Trẻ có thể sốt hoặc không

 

– Quấy khóc, không chịu bú…

 

 

 

Sự thay đổi bình thường của rốn trẻ từ khi sinh đến khi rụng. Nguồn Internet

 

Viêm mạch máu rốn

 

Rốn của trẻ thường có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch.  Các động mạch dễ bị viêm hơn vì sau khi cắt rốn, máu ở đó tồn đọng lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển (còn máu tĩnh mạch được hút về tim, tĩnh mạch xẹp nên ít bị viêm).

 

Khi động mạch rốn bị viêm, thành bụng phía dưới rốn sẽ có những biểu hiện:

 

– Phù nề, tấy đỏ.

 

– Nếu vuốt thành bụng (từ xương mu lên rốn) sẽ thấy mủ chảy ra.

 

– Trẻ sốt, quấy khóc, biếng ăn, mệt mỏi.

 

Chứng viêm tĩnh mạch rốn rất nguy hiểm vì vi khuẩn dễ lan ra các cơ quan xung quanh như gan, mật, dẫn tới nhiễm trùng huyết. Vì vậy, bệnh cần được phát hiện sớm để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị tích cực.

 

Biến chứng nếu không được điều trị kịp thời

 

Với những trẻ bị nhiễm khuẩn rốn không được điều trị kịp thời hoặc thích hợp có thể dẫn đến một số biến chứng:

 

– Hoại tử cuống rốn và chân rốn.

 

– Viêm cơ thành bụng, viêm phúc mạc.

 

– Viêm tĩnh mạch rốn dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch cửa, tăng áp tĩnh mạch cửa.

 

– Nhiễm khuẩn huyết.

 

Những biến chứng trên có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, nhanh chóng.

 

Điều trị

 

Hiện nay, phương pháp chủ yếu để điều trị viêm rốn được thưc hiện bằng soi cấy với bệnh phẩm tại vị trí nhiễm khuẩn và lựa chọn kháng sinh thích hợp. Việc sử dụng kháng sinh và đường dùng sẽ tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh.

 

– Trong trường hợp nếu trẻ bị viêm rốn ở mức độ nhẹ ( Chỉ có nhiễm khuẩn tại chỗ, không có dấu hiệu toàn thân) thì có thể dùng kháng sinh nhẹ và kháng sinh tại chỗ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa nhi.

 

– Trong trường hợp viêm nặng (vết nhiễm trùng lan rộng đến tĩnh mạch cửa hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng máu với các triệu chứng toàn thân ) Thì cần soi, cấy, làm kháng sinh đồ và lựa chọn kháng sinh thích hợp. 

 

 

Cách phòng tránh viêm rốn cho trẻ

 

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Để đề phòng viêm rốn cho trẻ sơ sinh thì:                                  

 

– Trong tuần đầu khi trẻ mới sinh, cần tắm bằng nước đun sôi để nguội hoặc nước lá đun sôi để nguội (để phòng nước không sạch vào rốn, gây nhiễm khuẩn).

 

– Thay băng rốn hằng ngày sau khi tắm; trường hợp băng rốn bị thấm nước tiểu, phân thì phải lập tức thay ngay.

 

– Áo, tã của trẻ phải được giặt sạch bằng xà phòng và phơi nắng, nếu có điều kiện thì là ủi trước khi dùng.

 

– Không được bôi, đắp bất cứ loại thuốc hay lá vào rốn của trẻ khi rốn chưa rụng.

 

Ngoài ra cần phải chú ý:

 

– Gữi cho rốn được khô ráo:  Trước khi trẻ rụng rốn nên giữ rốn khô ráo, khi tắm tránh làm ướt cuống rốn, sau khi tắm xong dùng cồn 70 độ lau khô, dùng băng cuốn xung quanh tổn thương.

 

– Tránh cọ xát: Nên sử dụng loại băng rốn thích hợp, không quá to hoặc không quá nhỏ, khi trẻ hoạt động dễ cọ xát vào cuống rốn, gây tổn thương da, thâm chí xước da chảy máu.

 

– Tránh nóng bức: Tránh để mồ hôi, dịch sữa, và các loại dầu xoa nhỏ và phần rốn để tránh nhiễm khuẩn. Nên dùng loại băng rốn y tế chuyên dụng đã qua tiệt trùng để đảm bảo an toàn.

 

Dây rốn chính là sợi dây nối quan trọng nhất giữa mẹ và thai nhi trong suốt thời gian thai kì. Sau khi trẻ nhỏ mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành cắt dây rốn cho trẻ và sau đó vài ngày dây rốn sẽ khô và rụng đi. Tuy nhiên, một số trường hợp không xử lí theo nguyên tắc khử trùng hoặc để vết thương đó bị nhiễm trùng sẽ sinh ra viêm rốn. Vì thế việc  chăm sóc rốn cho trẻ sau khi sinh cho đến khi rụng rốn cần hết sức cẩn thận để đảm bảo cho rốn bé rụng an toàn, không xảy ra viêm nhiễm.

 

Theo NTD

Viêm rốn ở trẻ sơ sinh

 

Theo NTD