Người giàu nhất sàn chứng khoán một thời cho biết ngừng đầu tư vào lĩnh vực này sau thời gian lỗ nặng, chỉ muốn tập trung cho ngành kinh doanh chính và lo xử lý nợ nần.
công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tính toán đến năm 2016 có thể xử lý
xong số nợ trên nghìn tỷ đồng đang tồn đọng. Doanh nhân này cũng chia sẻ
sẽ không đầu tư tiếp vào ngân hàng hay chứng khoán trong thời gian tới.
Ông tiết lộ mình từng thua lỗ đến hàng nghìn tỷ đồng vì cổ phiếu nên
không còn tâm trí cho lĩnh vực này.
– Hơn nửa năm trước, ông từng chia sẻ về khó khăn không thể vay ngân hàng và còn tồn đọng khoản nợ (trong đó có trái phiếu) lên tới trên 3.000 tỷ đồng. Hiện số nợ này được giải quyết ra sao?
– Mấy năm vừa rồi, nợ ngân hàng chúng tôi đã trả gần hết. Hiện chỉ còn nợ trái phiếu. Sau
thời gian tái cơ cấu công ty, hiện các nhà băng cũng bắt đầu đồng ý cho
chúng tôi vay tiền trở lại và chủ động mời gọi, trong đó có cả ngân
hàng quốc doanh. Các khoản vay phải phụ thuộc vào thời điểm đầu tư mới
được giải ngân.
Trước đây, nếu doanh số khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, ít nhất tôi
phải vay được 700 tỷ đồng. Với mức này, mình có thể dùng 1.000 tỷ đồng
để trả nợ và 700 tỷ đồng vay để tái đầu tư. Nhưng tình hình tín dụng
chung vẫn còn nhiều khó khăn vì các doanh nghiệp tái cấu trúc xong nhưng
chưa có dòng tiền doanh thu thì cũng chưa thể vay được tiền.
– Vậy ông dự tính đến thời điểm nào sẽ xử lý xong số nợ?
– Tái cấu trúc nợ cho phép doanh nghiệp được giãn các khoản vay chưa
gia hạn lần nào trong 3-5 năm. Chúng tôi chưa từng gia hạn nợ trước đó.
Nhưng theo kế hoạch nội bộ, nếu Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái
Bình Dương TTP
được ký, tới năm 2016 chúng tôi sẽ trả hết nợ. Tôi rất tin tưởng hiệp
định này sẽ ký. Trường hợp không ký được, chắn chắn vẫn phải theo đúng
lộ trình 5 năm, tức là đến năm 2018 mới trả xong nợ.
Trong suy nghĩ cá nhân, do sự cố gắng rất lớn và kết quả thu hút đầu tư
thực tế hiện nay, chúng tôi tính chỉ 3 năm nữa là hoàn tất nghĩa vụ
này. Năm nay, tôi dự kiến doanh số đạt rất cao, khoảng 2.000 tỷ đồng.
Nếu ngân hàng không cho vay thì tôi dùng 1.000 tỷ đồng để trả nợ. Nhưng
trường hợp được vay trở lại, tôi sẽ dùng số tiền này để tiếp tục đầu tư.
– Chuyện nợ nần ảnh hưởng thế nào tới hoạt động ở những công ty do ông điều hành?
– Cán bộ bên chúng tôi rất đông, nhưng cho dù kinh tế sa sút, chúng tôi
cũng không giảm lương. Nói thật không nâng lương thì mức sống hàng ngày
cũng vẫn tăng. Chỉ số lạm phát có ngừng đâu. Ít nhất mình cũng phải lo
được bằng lạm phát để đời sống anh em công nhân không bị ảnh hưởng.
Nhiều lúc lo trả lương bạc cả tóc, nhưng mà nợ lương là nhục lắm.
Công ty tôi cũng có lúc chậm lương nhưng không bao giờ nợ. Thường chỉ
chậm 1-2 tháng. Tôi biết nhiều đơn vị kinh doanh khó khăn còn nợ lương
hàng năm trời rồi phải cắt giảm nhân sự. Còn các tổ hợp kinh doanh bên
tôi vẫn thế, không có chuyện cắt giảm.

– Thế còn cuộc sống của ông gặp tác động thế nào?
– Đương nhiên tôi lo và sợ chứ. Khi người ta cho vay, đến hạn phải trả
mà không có tiền, mình sợ, không ngủ được, suốt ngày lo toan. Có lúc sợ
quá và nằm thở dài, mỗi ngày trôi qua không khách hàng nào đến. Tới kỳ
lương cũng không có tiền trả, ngân hàng thì đòi nợ, tôi phải tắt máy
điện thoại. Thậm chí ngồi ngay đấy mà phải để người khác trả lời là đi
đâu xa rồi.
Thay vì dành 100% thời gian đi làm việc kiếm tiền, tôi lại phải giảm
50% năng suất để suy nghĩ, đàm phán, xin giãn nợ. Mà đó là còn nhiều
người trong cả nền kinh tế chứ không riêng gì tôi. Nói chung cũng có
những thời kỳ nghỉ mát bắt buộc, nhưng rồi mọi thứ cũng dần ổn.
– Cuối năm 2013 ông tuyên bố đã rút hết vốn khỏi Navibank. Ông định bao giờ sẽ đầu tư trở lại vào lĩnh vực nhà băng?
– Tôi không có dự định đầu tư vào ngân hàng nữa. Cũng không phải riêng
tôi, tất cả các doanh nghiệp khác bây giờ đều nên hiểu rằng phải tập
trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Sau đợt tái cấu trúc, tôi nghĩ
ngân hàng sẽ lành mạnh hóa trở lại và có giá trị.
Nhưng công ty vẫn phải tập trung vào ngành chính để kiểm soát rủi ro.
Hồi xưa, Kinh Bắc từng dành tới 60-70% vốn đem đầu tư dàn trải, tiền sẵn
đó nên thấy lĩnh vực nào cũng nhảy vào. Rồi không ai chịu đựng nổi,
ngay cả người can đảm đến mấy cũng không chịu nổi áp lực thua lỗ.
– Thế còn lĩnh vực chứng khoán, ông có những kế hoạch ra sao giữa
bối cảnh thị trường khởi sắc trở lại, còn ông đang là một trong những
doanh nhân giàu nhất sàn?
– Tôi chưa thấy có đất nước nào mà người tham gia chứng khoán lại mạnh
mẽ như ở Việt Nam. Bây giờ hầu như ai cũng ngày ngày mở điện thoại xem
bảng điện tử. Tôi ngày xưa cũng như vậy nhưng mấy năm nay không dám
nhìn. Bạc hết cả tóc. Cổ phiếu xuống dưới hẳn 5.000 đồng thì sao mà sống
được, càng nhìn càng chết.
Thực ra tôi từng lỗ nhiều lắm vì bản thân cũng hơi bị “máu”. Sau khi
mua chứng khoán xong lại không để ý do công việc quá bận rộn. Một thời
gian sau giá xuống thấp, không bán được cho ai để thoát. Mà nhắc về
khoản lỗ thì cũng không có gì hay ho cả. Bây giờ mà nói mất một tỷ đồng
vì chứng khoán, người ta đã nói mình ngu chứ đừng nói lỗ tới vài trăm tỷ
đồng. Còn tôi thì có khi phải mất hàng nghìn tỷ đồng.
– Cổ phiếu KBC của công ty ông hiện dao động quanh mốc 10.000 đồng,
thấp hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Theo ông lý do thực sự
là gì?
– Không phải tôi tự tin nhưng thực sự với kết quả kinh doanh rất tốt,
chúng tôi vẫn dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài và đạt những kế hoạch
dự định. Tôi nghĩ sau này thị giá KBC sẽ vẫn tăng trở lại. Quý I vừa
rồi chúng tôi cũng gặp khó khăn khi không thu được tiền, thường không ai
muốn thanh toán vào đầu năm, hầu như đó là nguyên tắc trong lĩnh vực
bất động sản.
Nhưng đến bây giờ, lợi nhuận bắt đầu về. Tôi tính sơ sơ với 200 hecta
đất cho thuê một năm, chúng tôi có thể thu về khoảng 130 triệu USD doanh
số, Kể cả một số đối tác không trả tiền thì mình vẫn có 2.000 tỷ đồng
trong tay. Một nửa số này để trả ngân hàng, phần còn lại tái đầu tư. Nếu
TTP được ký kết, chúng tôi có khả năng cho thuê mỗi năm đến 300 hecta
va doanh thu 200 triệu USD mỗi năm. Như vậy lại có thêm cơ hội.
– Vậy ông có lời nhắn gửi nào đến các nhà đầu tư?
– Hiện nay tình hình kinh tế chưa thể vượt qua khó khăn, tuy vậy ít
nhất chúng ta đã thấy có những tín hiệu tích cực. Các chính sách của
Chính phủ rất tốt, đầu tư nước ngoài sang nhiều, lãi suất xuống mức thấp
như mơ, thị trường đang ấm dần lên. Với những dấu hiệu thế này, tùy các
nhà đầu tư quyết định. Ai nhanh tay, nhanh chân thì người đó thắng.
Tôi thực sự tin tưởng TTP sớm muộn gì cũng sẽ phải ký. Vấn đề chỉ là
thời gian, chậm nhất là năm sau. Đó cũng là lý do vì sao đầu tư nước
ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam. Khối ngoại đã chắc chắn như vậy, tại sao
chúng ta không mạnh dạn?
Tường Vi