Nôn do thai nghén là gì?
– Nôn do thai nghén là tình trạng xuất hiện các cơn buồn nôn kèm nôn khi bắt đầu có thai, thường xảy ra từ 6- 14 tuần của thai kỳ, ít trường hợp kéo dài qua 16 tuần.
– Trường hợp nôn kéo dài sau 3 tháng và không cầm được gọi là nôn nặng do thai nghén.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân nôn do thai nghén hiện còn chưa được làm rõ, tuy nhiên có thể là do sự tăng lên của các hormon trong 3 tháng đầu như estrogen, progesteron và hCG
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Các yếu tố nguy cơ: Nôn do thai được gặp ở con so nhiều hơn con rạ, sống chung với gia đình, nếu lần đầu thai nghén có nôn thì nguy cơ sẽ cao hơn cho lần sau.
Nôn nặng do thai nghén biểu hiện như thế nào?
Nôn nặng do thai nghén có thể bắt đầu từ nôn nhẹ hay đột ngột, và có thể chia làm 3 thời kỳ:
– Thời kỳ nôn: Nôn liên tục, ăn gì cũng nôn, nôn ra cả mật xanh, mật vàng.
– Thời kỳ suy dinh dưỡng: Do hậu quả của nôn dẫn đến suy dinh dưỡng và mất nước. Bệnh nhân gầy mòn, mắt lõm, da nhăn nheo, bụng lõm hình thuyền, mạch nhanh 100-120lần/ phút.
– Thời kỳ biến cố thần kinh: Đây là hậu quả của quá trình suy dinh dưỡng và mất nước kéo dài. Thai phụ lơ mơ, mê sảng, thở nhanh nông 40-50lần/ phút. Mạch nhanh, tiểu ít hoặc vô niệu và bệnh nhân có khi chết trong hôn mê, co giật. Thời kỳ này ngày nay hiếm gặp.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Chẩn đoán nôn nặng do thai nghén
Nôn nặng do thai nghén được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và mức độ nôn, mất nước. Ngoài ra cần làm thêm các xét nghiệm kiểm tra như:
– Xét nghiệm Công thức máu thấy Số lượng hồng cầu và HCT tăng
– Xét nghiệm Sinh hóa máu thấy dự trữ kiềm giảm, ure máu tăng
Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác như chửa trứng, bệnh lý về tiêu hóa, bệnh gan do virus, các bệnh về thần kinh.
Điều trị nôn nặng do thai nghén
Điều trị nội khoa: Sử dụng các thuốc chống nôn, thuốc kháng histamin, thuốc tác dụng lên hệ thần kinh theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên mức độ an toàn của các thuốc này chưa được kiểm chứng
Trong trường hợp các thuốc không có tác dụng thì thai nhi bắt buộc phải nhập viện để truyền dịch bù nước và điện giải, dùng các thuốc chống nôn.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ngoài ra thai phụ cũng có thể sử dụng các cách sau:
– Chia lượng thức ăn làm nhiều bữa nhỏ, đặc biệt thai phụ nên ăn lạnh: Hai ngày đầu ngậm sữa đá.
– Hai ngày sau uống sữa ướp lạnh, pha đậm dần để nâng cao giá trị dinh dưỡng, uống ít một và nhiều lần. Hai ngày tiếp theo cho bệnh nhân ăn súp. Nếu không thấy biến chuyển trở lại ngậm sữa đá.
– Nếu thấy đáp ứng thì 2 ngày sau uống sữa ướp lạnh pha đặc hơn, cũng ăn ít một và nhiều lần trong ngày. Cứ như thế chế độ ăn lạnh giảm dần, đặc đần và tăng lượng đần lên.
Điều trị sản khoa: Nếu điều trị nội khoa không đáp ứng, ảnh hưởng đến sức khoẻ thai phụ thì phải đình chỉ thai nghén. Thường thì sau nạo, bệnh bắt đầu thuyên giảm và giảm rất nhanh.
Phòng bệnh
Vì chưa rõ nguyên nhân nên vấn đề phòng bệnh chủ yếu là phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh bệnh nặng lên.
Nôn nặng do thai nghén khiến thể chất của thai phụ bị suy kiệt và nôn nhiều gây mất nước, mất điện giải nghiêm trọng khiến thai nhi không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết, gây ra tình trạng thai nhi nhẹ cân và có nguy cơ chết trong tử cung. Ốm nghén nặng ở giai đoạn đầu hay cuối thai kỳ đều dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và con. Do vậy khi có những biểu hiện nôn nghén nặng, thai phụ cần phải đi khám để phát hiện nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
Theo NTD