Tại sao phải chuẩn bị trước khi mang thai?
Theo nghiên cứu, thức ăn, môi trường sống và phong cách sống của mỗi bà mẹ trong những tháng trước khi có em bé đều là tiền đề ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của bé. Vì thế, chuẩn bị trước sẽ ngăn chặn những nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, đẻ non và dị tật bẩm sinh. Không những thế, những bà mẹ có sự chuẩn bị trước khi mang thai sẽ khỏe hơn, hồi phục nhanh hơn sau khi sinh và giảm thiểu nguy cơ gặp phải một số vấn đề về sức khỏe cho em bé sau này.
Khi nào bắt đầu?
Tốt nhất các bà mẹ tương lai nên bắt đầu chuẩn bị trước từ 6 đến 12 tháng. Có thể sẽ có nhiều bạn tự hỏi tại sao phải là khoảng thời gian này, đó là vì nếu có bất cứ thay đổi nào về chế độ ăn uống, cách sống hay tiếp xúc với chất hóa học thì cũng cần ít nhất bấy nhiêu thời gian để phát huy tác dụng lớn nhất đến sự thụ thai và sức khỏe của thai nhi.
Thêm vào đó, bạn cũng cần phải có thời gian để đánh giá nhu cầu sức khỏe của mình, bổ sung những thay đổi, làm quen với những thói quen mới và biến chúng trở thành một phần trong lối sống của bạn. Tất cả những điều này sẽ đem lại những lợi ích tốt nhất cho em bé của bạn sau này khi trưởng thành.
Cần chuẩn bị những gì?
Một trong những bước quan trọng nhất trong khâu chuẩn bị là kiểm tra sức khỏe tổng quát. Bất cứ bà mẹ tương lai nào cũng nên kiểm tra tổng quan sức khỏe để đảm bảo an toàn cho quá trình thụ thai. Nếu chưa từng bị sởi Đức (rubella), trái rạ (thủy đậu) hay chưa từng tiêm phòng bệnh này thì nên tiêm phòng ngay, và tiến hành trước khi có bầu ít nhất 3 tháng.
Đặc biệt, các bạn cần phải khám và chữa trị răng nếu có bệnh, vì trong quá trình mang thai, những căn bệnh về răng, lợi (nha chu) sẽ có xu hướng trở nặng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp đột ngột cho thai phụ. Ngoài ra, cần phải tiêm phòng các căn bệnh phổ biến khác như viêm gan siêu vi, bại não,… Mặc dù có nhiều chị em cho rằng không cần thiết, nhưng xét nghiệm HIV vẫn rất quan trọng đối với cả hai vợ chồng.
Đồng thời, khi kiểm tra tổng quát bạn cũng có thể nắm bắt được những nguy cơ khác có liên quan đến khả năng thụ thai của bạn để phòng tránh.
Nếu là người có thói quen hút thuốc, thì nên bỏ ngay từ bây giờ. Các nghiên cứu cho thấy em bé do những bà mẹ hút thuốc sinh ra có nguy cơ cao bị sinh non. Do đó bé sẽ thiếu cân, yếu và có khả năng chết do hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDS). Đồng thời, nếu các “đức lang quân” là người hút thuốc cũng nên nghĩ đến việc hạn chế hoặc hoàn toàn bỏ thuốc để tránh ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi trong bụng mẹ.
Các thức uống có cồn cũng sẽ góp phần rất lớn vào việc làm giảm khả năng thụ thai của bạn, và nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tâm thần và hành vi của bé sau khi ra đời.
Cân bằng chế độ ăn uống trước khi có thai không những tốt cho sức khỏe chung của mẹ mà còn cần thiết cho thai nhi. Trong đó, chất dinh dưỡng axít folic rất quan trọng cho việc chuẩn bị mang thai, giúp làm giảm nguy cơ khuyết tật về não và tủy sống của bé. Chất này có nhiều trong rau củ quả xanh, quả hạch, đậu, cam quýt, bưởi, ngũ cốc,…
Cùng với đó, tập thể dục thường xuyên có thể giúp duy trì cân nặng thích hợp trước và trong thời gian có em bé. Những bạn nữ thừa cân thường gặp phải những vấn đề về sức khoẻ như là cao huyết áp và tiểu đường. Ngược lại, thiếu cân có thể khiến cho em bé sinh ra không đủ cân nặng và yếu ớt.
Ngoài ra, các vấn đề về tâm lý, quan hệ tình cảm cũng ảnh hưởng không ít đến bé. Mang thai và có em bé đồng nghĩa với việc có những thay đổi trong gia đình và các mối quan hệ cá nhân. Đặc biệt, các ông bố bà mẹ trẻ thường phải đối mặt với nhiều tình trạng như căng thẳng, thất vọng, nóng nảy vô cớ, nhạy cảm, và suy nghĩ nhiều về trách nhiệm mới.
Các bà mẹ tương lai cần chuẩn bị gì về sức khỏe trước khi mang thai?
Theo NTD