Nguyên nhân
Nguyên nhân thường gặp là tình trạng đẻ khó, chuyển dạ kéo dài. Lỗ rò có thể do: Đầu thai nhi chèn quá lâu vào vách nằm giữa bàng quang và âm đạo cũng như vách trực tràng- âm đạo gây thiếu máu, hoại tử nơi bị chèn ép. Tình trạng rò này ít khi xuất hiện ngay sau khi đẻ mà thường sau đẻ 1-2 ngày, khi mảng mục do hoại tử bục ra.
Nguồn ảnh: Internet.
Trường hợp đẻ khó bị vỡ tử cung kèm theo rách cả bàng quang gây nên tình trạng rò. Nếu bệnh nhân được chạy chữa kịp thời, qua khỏi tử vong thì cũng thường bị rò nước tiểu do thương tổn bàng quang nặng nề, điều trị ban đầu ít có kết quả.
Đẻ khó cũng khiến thầy thuốc buộc phải dùng các thủ thuật hoặc phẫu thuật để lấy con ra. Các thủ thuật này có thể làm thương tổn các vách ngăn giữa âm đạo với bàng quang và trực tràng gây nên rò.
Cách xác định rò bàng quang-trực tràng
Xác định rò bàng quang-âm đạo:
Số lượng nước tiểu chảy ra nhiều hay ít phụ thuộc vào kích thước và vị trí lỗ rò.
Thử nghiệm màu: bơm dung dịch bleu methylene vào bàng quang qua một ống thông niệu đạo. Đặt 3 tampon vào âm đạo sau khi bàng quang được bơm đầy nước, thấy có sự nhuộm màu của tampon.
Xác định lỗ rò bằng cách nội soi bàng quang để đánh giá số lượng, kích thước, vị trí lỗ rò đồng thời đánh giá mức độ viêm nhiễm của bàng quang, để có cách điều trị tốt nhất.
Xác định lỗ rò trực tràng-âm đạo:
Chẩn đoán rò trực tràng-âm đạo không khó, khi thấy có phân thoát ra ở âm đạo, khám thấy môt lỗ thông giữa trực tràng và âm đạo. Có thể dễ dàng luồn một que thăm qua lỗ thông này.
Khi lỗ thông nhỏ, khó xác định. Đặt vào âm đạo một miếng gạch trắng và bơm xanh methylen vào trực tràng. Nếu có thông sẽ thấy miếng gạc trắng đặt trong âm đạo có màu xanh.
Nguồn ảnh: Internet.
Có hai loại rò:
– Rò đơn giản: lỗ rò ở thấp, kích thước nhỏ, dưới 2,5 cm. Nguyên nhân thường là do nhiễm trùng hoặc chấn thương, rò trực tràng-âm đạo sau sinh thường do các chấn thương trong tai biến sản khoa gây lên.
– Rò phức tạp: lỗ rò ở cao, kích thước lỗ rò lớn hơn 2,5cm. Nguyên nhân thường là do chiếu xạ.
Điều trị
Rò bàng quang âm đạo
Phẫu thuật nội soi là phẫu thuật ít xâm lấn, hiệu quả và an toàn trong điều trị rò bàng quang âm đạo.
Trường hợp lỗ rò nhỏ, dùng đốt điện đường rò kết hợp đặt dẫn lưu bàng quang tốt giúp cho đường rò hóa sẹo.
Các trường hợp khác phải phẫu thuật. Cần mổ sớm khi các phần bàng quang âm đạo tiếp giáp lỗ rò còn mềm mại, chưa bị xơ cứng do viêm kéo dài. Từ lỗ rò, các bác sĩ sẽ bóc tách tổ chức bàng quang khỏi tổ chức âm đạo trên một diện đủ rộng để khâu đóng kín lỗ rò bàng quang, sau đó khâu lỗ rò âm đạo.
Rò trực tràng âm đạo: phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật, việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào vị trí lỗ rò. Có hai đường vào trong phẫu thuật:
Các đường rò trực tràng – âm đạo cao (vài cm trên đường lược, thuộc trực tràng đoạn gần) thường mở qua đường bụng và phải cắt một phần trực tràng.
Các đường rò trực tràng – âm đạo thấp và phần lớn các đường rò hậu môn – âm đạo thường có thể mổ qua đường âm đạo, tầng sinh môn, trực tràng hay qua xương cùng.
Phòng bệnh
Với thai phụ cần đi khám thai định kỳ đầy đủ để được theo dõi thai cũng như tiên lượng cuộc đẻ.
Nguồn ảnh: Internet.
Thai phụ cũng cần có những kiến thức về ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho cuộc đẻ, theo học các lớp tiền sản đẻ có kiến thức cho một cuộc đẻ an toàn, cũng như thực hiện theo đùng hướng dẫn của nhân viên y tế trong chuyển dạ tránh mất sức hoặc phải can thiệp những thủ thuật có nguy cơ gây bệnh rò bàng quang trực tráng âm đạo sau sinh.
Nên sinh tại những cơ sở y tế uy tín, cần theo dõi các dấu hiệu sau sinh, đặc biệt với những thai phụ chuyển dạ kéo dài.
Rò bàng quang, trực tràng-âm đạo sau sinh là một biến chứng có thể gặp với bất cứ sản phụ nào, nhất là với những sản phụ có cuộc chuyển dạ kéo dài hoặc sử dụng những thủ thuật sản khoa như foocxep, giác hút.
Rò bàng quang-trực tràng sau sinh.
Theo NTD