Nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh:
– Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
– Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
– Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
– Khó khăn trong chăm sóc bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
– Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.
Dấu hiệu của người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh:
Suy nhược cơ thể: Những phụ nữ suy nhược này có thể rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với công việc nhà. Họ không buồn tắm rửa, chải chuốt.
Lo lắng, căng thẳng: Triệu chứng thường gặp nhất là đau một vùng nào đó trên cơ thể và cảm giác bị bệnh. Những triệu chứng này sẽ trở nên trầm trọng nếu không được chữa trị. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Họ thường khó có thể thư giãn được, nhiều khi có cảm giác như muốn nổ tung ra.
Hoảng hốt: Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày, và khó có thể bình tĩnh lại. Vì thế, tốt nhất là giúp họ tránh những tình huống mà họ bị stress.
Cảm giác bị ám ảnh: Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ.
Mất tập trung: Bà mẹ sẽ cảm thấy trí nhớ sao mà kém quá, và đôi lúc không sắp xếp được suy nghĩ. Họ có thể ngồi đó không làm gì, chỉ nghĩ rằng họ cảm thấy rất tồi tệ.
Rối loạn giấc ngủ: Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ. Họ có thể thao thức đến gần sáng, hoặc không ngủ được. Vài người ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.
Tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, nên các ông bố cần thông cảm và hiểu rằng đây chỉ là triệu chứng của bệnh.
Triệu chứng tâm lý: Tâm trạng buồn bã, giảm hứng thú hoạt động, thường nghĩ đến cái chết và tự tử, suy nghĩ, hành động, phản ứng chậm, mệt mỏi, thiếu sinh lực
Như vậy, tinh thần của người phụ nữ sau sinh cũng cần được chú trọng như sức khỏe thể chất của họ. Người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh nếu không được điều trị kịp thời sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn và những người phụ nữ như vậy họ không thể tự chăm con mình. Thậm chí có người bị ám ảnh dẫn đến việc làm tổn hại đến tính mạng của chính con mình. Vì vậy, vai trò của người thân trong gia đình và đặc biệt là người chồng hết sức quan trọng.
Nguyên nhân và dấu hiệu của người mẹ bị trầm cảm sau sinh
Theo NTD