Bí tiểu sau sinh (BTSS) tuy không gây nguy hiểm nhưng gây nhiều khó chịu về vận động và cảm giác cho người mẹ. Tần suất mắc bệnh khoảng 13,5%. Cần hiểu rõ tình trạng bệnh cảnh BTSS để có biện pháp phòng tránh cũng như điều trị tích cực giúp cho người mẹ giải phóng được những điều khó chịu.
Nguyên nhân
Trong chuyển dạ sinh, khi ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang. Ngoài ra, trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sổ ra được dễ dàng, sau sinh phải may lại chỗ cắt chỗ may sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu. Ngoài ra khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.
Biểu hiện lâm sàng
Sau sinh khoảng 3 – 4 giờ trở đi, người mẹ có cảm giác mắc đi tiểu nhưng không thể nào đi tiểu được. Khám lâm sàng thấy bụng mềm, vùng dưới rốn ngoài khối cầu an toàn đó là khối tử cung co hồi tốt, xuất hiện một khối cầu khác đó là cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ. Nhưng kết quả người mẹ cũng không tự đi tiểu được. Cảm giác ngày càng căng tức và khó chịu.
Biện pháp điều trị
Cần giải quyết tình trạng BTSS với bốn nguyên tắc sau: tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu, dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng, dùng thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường.
Tập đi tiểu để tạo lại phản xạ đi tiểu bằng cách đặt sonde tiểu lưu, tháo kẹp mỗi 4 giờ một lần, khi tháo nước tiểu, người mẹ tự rặn tiểu qua sonde. Kết hợp chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Thời gian đặt sonde tiểu lưu kéo dài 3 – 4 ngày. Thuốc dùng kháng sinh phổ rộng như cephalexin, doncef, augmentin, dùng bằng đường uống, dùng liên tục trung bình 7 ngày. Thuốc chống phù nề alphachymotrypsin, buscopan…
Thuốc dùng hỗ trợ tăng cường trương lực và co bóp bàng quang bằng thuốc prostigmin hay xatral dùng 4 – 5 ngày. Ngoài ra kết hợp các thuốc vitamin B1, vitamin B6 và vitamin B12 nhằm tăng sức khỏe.
Cách phòng tránh
Khuyến khích người mẹ sau sinh vận động sớm, tự đi tiểu không nên lo sợ đau đớn đối với vết may tầng sinh môn, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Uống nhiều nước, không nên nín tiểu, vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước rửa vệ sinh phụ khoa như gynofar, lactacyd FH. Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm trùng vết may tầng sinh môn. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp phục hồi sức khỏe sau sinh, cũng như cung cấp sữa mẹ cho con bú được đầy đủ.
Theo NTD