Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm vi rút Varicella Zoter gây ra, bệnh lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, qua các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh từ dịch tiết đường hô hấp, dịch từ nốt phỏng thủy đậu, lây qua đường hô hấp do hít phải vi rút do người bệnh thủy đậu nói, hắt hơi, hoặc ho… bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh hay gặp vào mùa đông xuân và có thể gây dịch.
Nguồn ảnh: Internet.
Biểu hiện của bệnh
– Thời gian ủ bệnh khoảng 2-3 tuần, thông thường từ 14-16 ngày từ lúc bị nhiễm vi rút đến khi phát bệnh.
– Người bệnh biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu từ vùng đầu mặt rồi lan ra toàn thân.
– Ban đỏ mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da nên có thể thấy chúng ở nhiều mức độ khác nhau, từ nốt sần, bọng nước trong, bọng nước đục và đóng vảy. Mụn nước có thể dày mỏng khác nhau.
– Thời kỳ lây truyền là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt mụn nước đầu tiên. Bệnh kéo dài 7-10 ngày, nếu không có biến chứng, các mụn nước sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn và không để lại sẹo, nhưng nếu nhiễm trùng có thể để lại sẹo.
Ảnh hưởng của thủy đậu với thai nhi và phụ nữ mang thai
– Với thai phụ: Bệnh thủy đậu nếu không điều trị cẩn thận có thể gây bội nhiễm cho thai phụ do sức đề kháng suy giảm. Nguy cơ viêm phổi từ 10-20%, tỉ lệ tử vong trong số những thai phụ viêm phổi 40%. Thai phụ có thể gặp nguy cơ về sẩy thai, sinh non.
– Với thai nhi:
Giai đoạn 3 tháng đầu:
– Đặc biệt tuần thứ 8 đến 12 của thai kì, nguy cơ thai bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da.
– Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.
Nguồn ảnh: Internet.
Giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối:
– Trong ba tháng giữa, đặc biệt tuần 13 – 20 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai.
– Nếu người mẹ nhiễm bệnh trong vòng năm ngày trước sinh và hai ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỷ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25% – 30% số trường hợp bị nhiễm.
Xử trí khi thai phụ mắc bệnh thủy đậu
Hạ sốt: Paracetamol hạ sốt, nếu nhiệt độ cơ thể trên 38,5ºC
Chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, chống nhiễm khuẩn:
– Thai phụ cần được ngỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng,dễ tiêu hóa.
– Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bọng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.
Sử dụng thuốc:
– Các thai phụ chưa có kháng thể bảo vệ(chưa từng bị hoặc chưa chủng ngừa trước khi mang thai) nên dùng Varicella zoster immune globulin (VZIG) trong vòng 72 giờ đầu sau phơi nhiễm. VZIG chỉ phòng được biến chứng cho mẹ chứ không phòng được biến chứng cho thai.
– Để phòng biến chứng cho con nên dùng VZIG cho bé sơ sinh.
– Đối với thai phụ có nguy cơ viêm phổi, nên dùng Acyclovir đường tĩnh mạch để giảm nguy cơ cho mẹ và bé.
Nguồn ảnh: Internet.
Phòng bệnh thủy đậu khi mang thai
– Tiêm vắc- xin trước khi mang thai ít nhất 3 tháng.
– Khi mang thai tránh tiếp xúc với người bệnh thủy đậu.
– Ăn uống tốt để đảm bảo sức khỏe trong suốt thai kì.
– Giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh thân thể tốt.
Bệnh thủy đậu có thể gây ra nhiều nguy cơ cho thai phụ và thai nhi, đặc biệt gây nên hội chứng thủy đậu bẩm sinh và các bệnh lý ở các cơ quan khác. Nếu mang bầu mà chưa miễn dịch với thủy đậu, thai phụ nên tránh tiếp xúc với những người mắc thủy đậu và những người vừa tiếp xúc với người mắc thủy đậu. Hiện đã có vắc- xin phòng bệnh thủy đậu, nếu phụ nữ chưa từng bị nhiễm thủy đậu thì nên tiêm phòng văc- xin trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để tạo miễn dịch.
Bệnh thủy đậu với phụ nữ mang thai
Theo NTD