Bệnh lao ảnh hưởng gì đến phụ nữ mang thai?

0
43
Bệnh lao không phải là bệnh di truyền. Bố, mẹ bị lao không truyền lại cho con qua tinh trùng hoặc trứng. Người phụ nữ có thai bị lao vẫn có thể sinh đẻ bình thường như những người phụ nữ khác. Tuy nhiên, do có những thay đổi trong cơ thể, đặc biệt là nồng độ các nội tiết tố cho nên bệnh lao ở người phụ nữ có thai cần được lưu ý, chăm sóc kỹ càng hơn.

Ảnh hưởng của bệnh lao với phụ nữ mang thai

 

Bệnh lao dễ bị bỏ qua hoặc phát hiện muộn. Tình trạng thai nghén đã tạo điều kiện cho tổn thương lao dễ phát sinh và phát triển. Những tổn thương đã ổn định có thể tái triển trở lại. Bệnh lao hay gặp trong thời gian 3 tháng đầu và sau khi sinh con hơn là ở các thàng khác của thời kỳ thai nghén. ở thời gian 3 tháng đầu, triệu chứng của bệnh lao dễ lẫn với dấu hiệu có thai như; chán ăn, mệt mỏi… Vì vậy người phụ nữ ít chú ý và không đi khám bệnh.

 

Tuy nhiên ngoài triệu chứng kể trên, thì bệnh lao còn có những triệu chứng khác với dấu hiệu thai nghén đó là người bệnh có sốt nhẹ về chiều, nhiệt độ thường chỉ 370 – 380c, hay có triệu chứng kèm theo về hô hấp như ho khạc đờm, đau tức ngực. Nếu người phụ nữ có các triệu chứng trên đây, ở bất cứ thời gian nào khi có thai, thì cần đi khám để xác định xem có bị bệnh lao hay không.

 

 

Sau khi sinh con, sản phụ cũng có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Các thể lao nặng này có triệu chứng hay gặp như sốt cao kéo dài. Triệu chứng này dễ nhầm với sốt sót rau hoặc sốt hậu sản.

 

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những trường hợp sốt cao kéo dài ở phụ nữ sau đẻ, khi chụp phim phổi đã phát hiện nhiều trường hợp có tổn thương lao kê. Vì vậy những sản phụ sau đẻ, nếu sốt kéo dài cần phải được chụp phim phổi kiểm tra để phát hiện tổn thương phổi. Cũng cần lưu ý là những nốt lao kê nhỏ nếu chỉ chiếu X quang phổi thì rất khó phát hiện.

 

Việc điều trị bệnh lao ở phụ nữ thai nghén…

 

Kết quả chữa bệnh lao ở phụ nữ có thai cũng tốt như những bệnh nhân lao khác, điều quan trọng là cần phát hiện bệnh sớm và chữa kịp thời. Trong các thuốc chữa lao hiện nay, người ta khuyên không nên dùng streptomycin, vì thuốc này có thể qua rau sang cơ thể thai nhi gây ngộ độc với dây thần kinh số VIII (làm cho trẻ bị điếc bẩm sinh). Ngoài ra thuốc ethambutol cũng ít được dùng vì sợ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Phác đồ có thể sử dụng là 2RHZ/4RH (giai đoạn 2 tháng đầu dùng kết hợp 3 thuốc là rifampicin (R), isoniazid (H) và pyrazinamid (Z), 4 tháng sau dùng hai loại thuốc kết hợp là R và H). Cần chú ý là các thuốc lao phải dùng đúng liều lượng, không được dùng liều cao. Những sản phụ bị lao sau khi sinh con, có thể kết hợp nhiều thuốc lao hơn để điều trị. Hiện nay việc theo dõi chữa lao chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm đờm tìm vi trùng lao, vì vậy không được dùng quang tuyến để theo dõi kết quả điều trị (sẽ nguy hiểm cho thai nhi).

 

 

… và sau khi sinh con

 

Người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất để nhanh chóng hồi phục sức khỏe, cho trẻ bú sữa mẹ như mọi trường hợp. Việc tiêm phòng vaccin BCG cho trẻ là bắt buộc. Cũng không nhất thiết phải cách ly mẹ và con, trừ khi lúc sinh con, người mẹ vẫn còn vi trùng lao ở trong đờm.

 

Tóm lại do những tiến bộ của y học mà bệnh lao ở phụ nữ có thai không còn nặng nề như trước đây. Người phụ nữ vẫn có thể sinh con bình thường như những người phụ nữ khác. Kết quả chữa bệnh lao cũng tốt như những bệnh nhân lao khác. Vấn đề quan trọng là cần phải phát hiện bệnh sớm để chữa kịp thời, đồng thời cần chú ý một số điểm đã nêu trên đây khi điều trị cho những bệnh nhân này.

 

Bệnh lao ảnh hưởng gì đến phụ nữ mang thai?

 

Theo NTD