Ảnh hưởng của bệnh giang mai với phụ nữ mang thai

0
51
Bệnh Giang mai, tiếng Pháp và tiếng Anh đều gọi là Syphili (tuy cách phát âm có khác nhau) là một bệnh nhiễm khuẩn trường diễn, lây lan qua đường tình dục. Khi phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ làm lây sang thai nhi và sau khi ra đời em bé có thể mắc bệnh giang mai bẩm sinh do lây truyền từ mẹ.

Bệnh giang mai là gì?

 

Bệnh Giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn trường diễn, lây lan qua đường tình dục, tiến triển phức tạp, có giai đoạn rầm rộ, có giai đoạn kín đáo, có thể ăn vào tất cả các phủ tạng người bệnh, đặc biệt là da và thần kinh, tim mạch, phá hoại sức khỏe của bệnh nhân, lại có thể lây truyền sang thế hệ con cháu.

 

Những ảnh hưởng của bệnh giang mai với phụ nữ mang thai

 

 Trong thời kỳ thai nghén, bệnh Giang mai có những đặc điểm riêng: Các triệu chứng của bệnh Giang mai, đặc biệt ở thời kỳ thứ hai thường không rõ rệt bằng ở phụ nữ không mang  thai, nên cần chú ý mới phát hiện được. Đó là một điều rất nguy hiểm vì có nguy cơ sau khi đẻ ra một em bé bị Giang mai mới phát hiện được bệnh ở người mẹ.

Xoắn khuẩn Giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi trong thời gian em bé nằm trong bụng mẹ, thường chỉ xảy ra ở tháng thứ tư, thứ 5 trở đi của thời kỳ thai nghén (thông thường từ tuần thứ 16 đến tuần 18, 19 của thai. Như vậy, em bé bị bệnh là do cơ chế lây lan (chứ không phải là do di truyền như đã ngộ nhận trước đây) nên ngay từ khi lọt  lòng mẹ em bé đã mắc bệnh Giang mai, gọi là “Giang mai bẩm sinh”

 

Tùy theo mức độ bị lây nhiễm nặng hay nhẹ, bệnh giang mai bẩm sinh sẽ có những nét khác nhau:

 

– Nếu thai nhi bị nhiễm khuẩn một cách ồ ạt thì sẽ không tồn tại được và bị sảy thai.

 

– Nếu nhẹ hơn: sẽ bị chết lưu hoặc đẻ non, và em bé rất ít khi sống sót.

 

– Nếu nhiễm khuẩn một cách nhẹ hơn nữa: Thai nhi có thể đẻ đủ ngày đủ tháng, nhìn có vẻ bình thường, nhưng sau vài ngày hoặc vài tháng, một năm sẽ thấy xuất hiện các thương tổn của giang mai như: bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân chẩy nước  mủ lẫn máu, nứt mép hoặc bị kiệt cánh tay do viêm xương và sụn. Người ta gọi là những thương tổn của bệnh “ giang mai bẩm sinh sớm”,  thường xuất hiện  trong vòng 2 năm đầu đời của em bé.

 

Tuy nhiên giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện  muộn hơn nữa, khi em bé đã lên 5 – 6 tuổi, thậm chí đã  trưởng thành. Đó là bệnh “giang mai bẩm sinh muộn”.

 

Cách phòng lây nhiễm bệnh sang thai nhi khi thai phụ bị nhiễm bệnh

 

Vấn đề nay rất đơn giản và có kết quả chắc chắn: chủ yếu là quản lý theo dõi tốt thai nghén, phát hiện và chữa bệnh Giang mai kịp thời và đúng lúc cho thai phụ. Một thai phụ bị giang mai được điều trị sớm thì bệnh chắc chắn khỏi và thai nhi cũng không mắc bệnh. Xoắn khuẩn Giang mai chỉ có thể xâm nhập vào cơ thể thai nhi từ tháng thứ 4, thứ 5 trở đi nên nếu điều trị cho thai phụ trước đó thì thai nhi không bị nhiễm xoắn khuẩn. 

 

 

Nếu đã muộn, càng gần ngày sinh bao nhiêu thì nguy cơ làm thai nhị Giang mai bẩm sinh càng lớn bấy nhiêu, và do đó hậu quả tai hại cho thai nhi càng lớn bấy nhiêu. Tuy vậy nếu được chữa chạy đúng phương pháp  thì cả thai phụ và thai nhi đều có thể khỏi bệnh Giang mai.

 

Vì vậy, trong thời kỳ thai nghén ít ra là càn thử máu 3 lần cho thai phụ: lần 1 vào tuần lễ thứ 4 của thai. Lần thứ hai vào tháng 6 và lần 3 vào tháng thứ 9, nếu có bênh,  cần cho chữa trị ngay thì sẽ “mẹ tròn con vuông” với đầy đủ ý nghĩa và nội dung của câu nói đó.

 

 

Thai phụ mắc bệnh giang mai khi đang mang thai có tác hại rất lớn có thể dẫn tới tình trạng sảy thai, thai chết lưu, chết sau khi sinh hoặc em bé sẽ bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Bệnh giang mai cũng làm tăng nguy cơ sinh non và hạn chế thai nhi tăng trưởng trong tử cung. Vì vậy, việc khám thai định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc sớm bệnh là rất quan trọng để làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh sang thai nhi.

 

 

 

Ảnh hưởng của bệnh giang mai với phụ nữ mang thai

 

Theo NTD