4 cách để kết thúc cuộc phỏng vấn việc làm hoàn hảo

0
63

Bạn sẽ làm gì nếu như sắp kết thúc buổi phỏng vấn việc làm mà bạn vẫn còn một số khúc mắc trong lòng? Bạn có biết tận dụng những phút cuối quý giá để kết thúc cuộc phỏng vấn tốt nhất chưa? Hãy thử 4 gợi ý dưới đây từ chuyên gia nhân sự của các website tìm việc làm uy tín nhé.

Đặt các câu hỏi “giá trị”

Một cuộc phỏng vấn việc làm không diễn ra hoàn hảo nếu như chỉ tương tác từ một phía. Sau cuộc phỏng vấn, bất kì nhà tuyển dụng nào cũng tạo cơ hội cho ứng viên được bày tỏ quan điểm cũng như đặt ra các câu hỏi, thắc mắc. Lúc này bạn cần đặt các câu hỏi thực sự hữu ích cho nhà tuyển dụng. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của bạn đối với công việc cũng là điểm khiến bạn được đánh giá cao.

Một số câu hỏi lý tưởng như những khía cạnh không có trong mô tả công việc, thử thách lớn nhất, ngày làm việc điển hình hay lí do người cũ ra đi… Lưu ý không nên hỏi những câu chung chung về công ty mà bạn có thể tìm hiểu ở các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hay website như về đối tác, phân khúc khách hàng, quy mô công ty, ai là người giữ chức cao nhất, lương, thưởng hay các chế độ đãi ngộ… Điều này chỉ gây “tác dụng ngược”, chứng tỏ bạn không chịu tìm hiểu về công ty trước khi dự tuyển.

Điều chỉnh các lỗi sai có thể mắc phải

Đôi khi cuộc phỏng vấn diễn ra chưa thực sự hoàn hảo. Điều này là tất nhiên và khó tránh khỏi, điều quan trọng là bạn đã kịp nhận ra và điểu chỉnh ngay thay vì e ngại mà bỏ qua. Thẳng thắn thừa nhận thiếu sót thể hiện tính sự chuyên nghiệp và sự tự tin của một ứng viên tiềm năng.

Sắp kết thúc cuộc phỏng vấn là thời điểm cho bạn đính chính lại các sai sót hoặc thiện chí muốn hoàn thiện bản thân hơn nữa một cách tích cực. Chẳng hạn, “Lúc nãy khi thảo luận về vấn đề X tôi đã nhầm lẫn (hoặc quá bất ngờ) nên chưa thể hiện đúng như ý muốn nói, giờ tôi muốn bổ sung thêm là …”. Điều này giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về quan điểm cá nhân cũng như sự bình tĩnh, sâu sắc nhìn nhận vấn đề của bạn.

Thể hiện lòng biết ơn

Khi sắp kết thúc cuộc phỏng vấn việc làm, bạn nhất thiết cần phải bày tỏ sự biết ơn đối với người trực tiếp phỏng vấn mình đồng thời với việc gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng đã tạo ra các cơ hội công việc. Chẳng hạn như “Tôi thực sự rất cảm ơn anh/ chị hôm nay đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Tôi không coi nó như là hỏi đáp, trao đổi thông tin bình thường mà chính là sự chia sẻ sâu sắc và cụ thể nhất cho cả hai bên”.

Khi bày tỏ lòng biết ơn, nhà tuyển dụng sẽ biết chắc rằng bạn đang trân trọng cơ hội này và ghi nhận công sức, thời gian mà họ đã bỏ ra. Dù rằng việc này là đang tìm kiếm nhân sự cần thiết cho họ nhưng việc bạn thể hiện sự biết ơn cũng chứng tỏ phẩm chất cơ bản và đáng quý nhất ở một người.

Gợi mở về một cuộc hẹn

Đừng rời khỏi cuộc phỏng vấn khi mà bạn chưa có một vài câu gợi mở về một cuộc hẹn mới hoặc là cách thức để liên lạc với nhà tuyển dụng. Ví dụ như “Liệu tôi có thể liên hệ trực tiếp với anh/ chị được không”? Nếu họ đồng ý thì bạn có thể xin kết nối, chẳng hạn như mạng xã hội, số điện thoại hoặc email cá nhân…

Đây chính là nền tảng thuận lợi về sau nếu như bạn muốn trao đổi thêm về công việc hoặc khi bạn cần hỏi về kết quả cuộc phỏng vấn. Trong trường hợp bạn nhận được câu trả lời từ chối khéo kiểu “Hãy liên hệ qua bộ phận nhân sự” chẳng hạn thì cũng nên vui vẻ và chấp nhận điều đó như là sự hiển nhiên.

Đôi khi cuộc phỏng vấn việc làm diễn ra trong tốt đẹp nhưng chỉ vài sơ xuất nhỏ mà bạn vô tình làm mất điểm với nhà tuyển dụng. Vì thế, hãy chuẩn bị thật kỹ nhằm tạo dấu ấn đẹp nhất. Yếu tố ghi điểm không chỉ nhờ năng lực chuyên môn, sự thông minh và hiểu biết mà còn cả các kỹ năng mềm và sự tinh tế trong ứng xử của chính con người bạn cả trước, trong và kết thúc buổi phỏng vấn.

Đặng Hảo