Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, rất nhạy cảm với nhiệt, nếu phải ở trong phòng kín quá nóng hoặc trong môi trường quá nóng như khi đi xe ô tô chẳng hạn, trẻ có thể bị cảm nóng do cơ thể bị bay nhiều hơi nước quá mức.
Nguyên nhân gây ra tình trạng cảm nhiệt ở trẻ
Đa số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cảm nhiệt ở trẻ nhỏ là do trẻ ở môi trường nhiệt nóng, bị dòng nhiệt nóng đột ngột, sốt cao, bị ánh sáng trời chiếu trực tiếp, buồng tàu xe có nhiệt độ cao, mặc nhiều quần áo khi thời tiết nóng.
Ngoài ra còn một số những nguyên nhân khác liên quan đến bệnh lý kèm theo ở trẻ như:
– Trẻ bị xơ nang tuyến tụy: mất muối nhiều trong mồ hôi.
– Trẻ bị loạn sản ngoại bì làm giảm tiết mồ hôi (anhidrotic ectodermal dysplasia) bẩm sinh hoặc bị bệnh vảy cá bẩm sinh.
– Tiết mồ hôi ít mắc phải: bỏng ánh nắng hoặc bỏng nhiệt rộng, chàm, bệnh vẩy nến, kiệt tiết mồ hôi.
– Động kinh.
– Trẻ dùng các thuốc ức chế tiết mồ hôi như nhóm kháng Histamin, Phenothiazin,Atropin, Homatropin, Belladon, Eumydrin, kháng tiết Cholin, thuốc nghẽn beta.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Triệu chứng của trẻ khi bị cảm nhiệt
Triệu chứng đặc biệt của cảm nhiệt là:
– Rối loạn thần kinh trung ương (đau đầu, rối loạn ý thức, co giật, hôn mê).
– Sốt cao, nhiệt độ hậu môn trên 41°C.
– Da khô, đỏ, nóng, không tiết mồ hôi do tình trạng mất nước của cơ thể
Nặng hơn thì có các triệu chứng như: Tim đập nhanh, huyết áp hạ, đái ít hay vô niệu, hoại tử ống thận cấp, rối loạn chức năng gan, cơ niệu kịch phát (rhabdomyolysis), kết hợp với tổn thương thận, nhịp thở không đều.
Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Nhưng thực tế, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể. Mồ hôi ra càng nhiều thì cơ thể càng dễ bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ mệt mỏi, choáng, dễ gây sốt, trong nhiều trường hợp mất nước nặng khi đi ngoài nắng khiến người bệnh dễ bị say nắng, gây nhức đầu, khó thở…
Ở trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà trẻ em là đối tượng rất hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều người lớn. Không hiếm gặp những em bé vừa thay áo, chạy 5 – 10 phút thì đầu tóc lại ướt dòng dòng, mồ hôi thấm đẫm lưng áo. Nếu không được bù nước đúng cách trẻ rất dễ bị tăng thân nhiệt, sốt vì mất nước.
Xử trí khi trẻ bị cảm nhiệt
Cảm nhiệt là một tình trạng cấp cứu nếu không kịp thời sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng nhất là đối với trẻ nhỏ nên việc đầu tiên phụ huynh cần làm là tìm mọi cách để hạ nhiệt cho trẻ bằng cách:
– Bỏ quần áo, chườm túi nước đá hoặc đặt bệnh nhân trong nước lạnh, cho đến khi nhiệt độ hậu môn dưới 39°C.
– Cho trẻ uống oresol liên tục
– Nếu nhiệt độ vẫn không hạ thì cần cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol
– Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở ý tế gần nhất để được bác sĩ điều trị nếu tình trạng sốt cao vẫn không hạ sau khi dùng thuốc.
Cách phòng tránh
Cảm nhiệt chủ yếu xẩy ra vào mùa hè nhiệt độ ngoài trời cao, hơn nữa trẻ em thường hiếu động nên vận động thường xuyên gây ra tình trạng ra mồ hôi nhiều. Nếu trẻ không uống đủ nước sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và rất dễ bị cảm nhiệt.
Vì thế, để chống nắng nóng mùa hè ngoài việc ở môi trường thoáng, đội mũ che chắn kĩ khi ra ngoài thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Hãy nhớ nguyên tắc, mùa hè nắng nóng luôn phải mang theo nước bên mình, hãy luôn nhắc trẻ uống nước đừng để trẻ mải chơi, đến khi khát nước quá mới về nhà tu cả bình nước sẽ không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất là uống nước từ từ, từng ngụm nhỏ, lúc lại uống và ghi nhớ đừng để khi cảm thấy khát mới uống.
Trong thời tiết nắng nóng này, với những người mất nước quá nhiều qua hiện tượng tuốt mồ hôi như ở trẻ em đùa nghịch, người làm việc ngoài đường nắng nóng… thì chỉ uống nước thôi chưa đủ, mà hãy pha dung dịch oresol theo tỷ lệ đúng để dùng thay thế nước lọc, sẽ giúp cơ thể bồi phụ lượng nước, muối khoáng, đường mất qua mồ hôi. Hoặc có thể uống nước chanh tươi pha với một nhúm muối giúp cơ thể lại sức nhanh chóng.
Như vậy khi trẻ bị cảm nhiệt, thì phụ huynh cần bình tĩnh trườm mát cho trẻ, cho trẻ uống oresol để bù nước nếu thấy trẻ hạ sốt thì tiếp tục theo dõi ở nhà. Nếu trẻ vẫn sốt thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tuy nhiên phụ huynh cần chú ý là nếu đưa trẻ đi trong thời tiết nóng bức thì cần hạ nhiệt cho trẻ ở nhà trước sau đó mới đưa trẻ đến bệnh viện.
Theo NTD