Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Nhiễm khuẩn phổi có thể xảy từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ. Thời gian vỡ ối đến khi sinh càng dài thì tỷ lệ trẻ bị viêm phổi càng cao. Đặc biệt thời gian vỡ ối đến khi sinh từ 24 giờ trở lên thì có đến 90% trẻ sẽ bị viêm phổi.
Ngoài cũng cần chú ý, trong khi đỡ đẻ, hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng cần thực hiện vô trùng vì trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn từ dụng cụ và môi trường, người chăm sóc.
Viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường gặp nhất là sau khi sinh khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, trẻ có thể bị bệnh từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng cũng có thể bị bệnh ngay trong khi đẻ do hít phải nước ối, phân su đã bị nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ. Bệnh thường xuất hiện sớm, sau đẻ từ 12 giờ đến vài ngày. Tỷ lệ tử vong cao dù được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh.
Trẻ sơ sinh có nồng độ trong máu thấp tăng gấp sáu lần nguy cơ bị nhiễm trùng phổi do virut hợp bào hô hấp (RSV). Được biết, RSV là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp nặng trong 12 tháng đầu đời của trẻ, như viêm phế quản, viêm phổi… Các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy có thể đã đóng vai trò trong sự phát triển hệ thống miễn dịch của thai nhi và trẻ sơ sinh, làm tăng tốc sự phát triển sớm của phổi và có một số đặc tính kháng sinh.
Biểu hiện lâm sàng viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện lâm sàng của viêm phổi ở trẻ sơ sinh rất đa dạng, triệu chứng thì sơ sài rất khó phát hiện nhất là ở trẻ nhẹ cân. Có một số dấu hiệu cần lưu tâm: trẻ thường không chịu bú, mệt mỏi, quấy khóc, da xanh, sốt cao hoặc hạ thân nhiệt, khó thở. Trẻ thở nhanh trên 60 lần/phút và không đều, có hiện tượng rút lõm lồng ngực do co kéo cơ liên sườn, khi thấy trẻ tím tái là bệnh đã nặng.
Trong đó cần chú ý:
Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe và cũng là triệu chứng rất dễ phát hiện ở mọi lúc, mọi nơi chỉ bằng một phương tiện rất dễ tìm: đồng hồ có kim giây. Chúng ta có thể đếm được nhịp thở của trẻ trong trọn một phút để xem trẻ có thở nhanh hay không. Gọi là thở nhanh khi: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên ở trẻ dưới 2 tháng. Khi đó trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay. Vì nhịp thở có thể tăng khi trẻ gắng sức (bú, quấy khóc…) nên chúng ta cần phải đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, tốt nhất khi ngủ.
Khi trẻ có dấu hiệu thở co lõm lồng ngực thì bệnh viêm phổi đã nặng, cần nhập viện ngay để điều trị. Để nhận chính xác dấu hiệu này, chúng ta cần vén áo trẻ cao lên để thấy rõ vùng ngực và vụng trẻ, quan sát khi trẻ nằm yên, không bú, không khóc.
Đặc biệt khi trẻ bỏ bú hoặc bú kém, co giật, trẻ ngủ li bì – khó đánh thức trẻ dậy, sốt hoặc lạnh, thở khò khè là các dấu hiệu cho thấy trẻ trong tình trạng rất nặng, cần đưa trẻ một cách nhanh nhất tới bệnh viện.
Điều trị và dự phòng viêm phổi ở trẻ sơ sinh
Về điều trị, nếu trẻ không sốt, không ho hoặc chỉ có ho, vẫn bú mẹ, thở đều, không thấy co rút lồng ngực, bụng di động theo nhịp thở, không tím tái… thì có thể theo dõi và chăm sóc tại nhà. Cho trẻ bú mẹ thường xuyên, làm thông thoáng mũi bằng cách hút, nhỏ mũi thuốc kháng sinh, cho uống thuốc ho; không cần dùng thuốc kháng sinh.
Nếu trẻ bỏ bú, thở nhanh, nông trên 60 lần/phút hoặc thở chậm dưới 40 lần/phút, có cơn ngừng thở, tím tái quanh môi và các đầu chi, trẻ vật vã hoặc ly bì là bệnh đã nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều quan trọng nhất để trẻ có thể khỏi bệnh là trẻ cần phải được cho uống kháng sinh thích hợp đúng cách, đủ liều và đủ thời gian. Khi được thầy thuốc chỉ định, các bậc cha mẹ cần nhận biết đúng dạng thuốc cần cho trẻ uống, liều lượng mỗi lần uống, số lần uống trong ngày và số ngày cần cho trẻ uống thuốc. Nếu trẻ bị nôn ói trong vòng 30 phút sau khi uống thuốc, cần cho bé uống lại một liều khác. Tuy nhiên cũng cần tránh lạm dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh khi có chỉ định của bác sỹ.
Cần phải tăng cường cho trẻ bú, và uống nhiều nước. Khi trẻ vừa khỏi bệnh cũng cần bồi dưỡng thêm cho trẻ mau lại sức. Đối với trẻ nhỏ, khi mũi bị nghẹt, tắc, trẻ sẽ kho bú, khó ăn hơn. Vì vậy cần thông thoáng mũi, để trẻ có thể bú, ăn dễ dàng hơn.
Có một điểm cần chú ý, trong viêm phổi trẻ thường có biểu hiện ho. Ho chính là một phản xạ có lợi để tống đàm dãi ngoài, giúp đường thở được thông thoáng cho trẻ có thể hít thở dễ dàng. Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng phụ quan trọng ở trẻ em nếu dùng không đúng cách.
Để dự phòng cần: bảo đảm giữ ấm cho trẻ trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè nhưng cũng đừng ủ các cháu quá mức bởi nếu nóng sẽ nhiều mồ hôi và bị nhiễm lạnh trở lại dễ sinh cảm lạnh. Trẻ sơ sinh cần bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ. Thường xuyên giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn. Các dụng cụ để chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng.
Theo NTD