Trong lịch sử 19 năm hoạt động, Boeing 777 mới liên quan đến 4 vụ tai nạn khiến máy bay bị phá hủy. Sự cố Asiana Airlines năm ngoái là lần đầu tiên thiệt hại về người.
777 là dòng máy bay phản lực hai động cơ, thân rộng, chuyên bay đường dài do Boeing sản xuất. Loại máy bay này có 6 dòng, gồm 777-200, 777-200ER, 777-200LR, 777-300, 777-300ER và một máy bay chở hàng – 777 Freighter.
Boeing 777 có sức chứa 314 – 451 hành khách, tầm bay 9.695 – 17.372 km. Máy bay có rất nhiều đặc tính kỹ thuật nổi trội, như động cơ phản lực cánh quạt (turbofan) đường kính lớn nhất thế giới, hệ thống càng hạ cánh 6 bộ lốp và chóp đuôi vuốt nhọn.
Theo Boeing, 777 là dòng máy bay phản lực đầu tiên được thiết kế hoàn toàn bằng đồ họa 3D. Nó đã được lắp ráp trước trên máy tính trong suốt quá trình thiết kế, nhằm loại bỏ chi phí lắp thử nghiệm tốn kém.. Tháng 6/1995, 777 có chuyến bay thương mại đầu tiên với United Airlines. Theo Boeing, đây là dòng máy bay thân rộng nhất, diện tích trong khoang lớn nhất và có nhiều cải tiến về công nghệ cánh, thiết kế khoang, tiện nghi làm tăng sự thoải mái cho khách hàng và độ linh hoạt nội thất. Máy bay này lớn hơn nhiều máy bay 2 hoặc 3 động cơ khác, nhưng nhỏ hơn 747.
Được phát triển dựa trên ý kiến của 8 hãng hàng không, 777 ra đời để thay thế dòng máy bay thân rộng cũ và là trung gian giữa hai dòng 767 và 747 của Boeing. 777 được trang bị hệ thống điều khiển điện tử, với nhiều tính năng dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố điện. Tuy nhiên, phi công vẫn có toàn quyền kiểm soát máy bay.
Boeing 777 được xếp vào danh sách máy bay bán chạy nhất của Boeing do có mức tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả và tầm bay dài hơn các máy bay phản lực thân rộng khác. Năm 2005, chiếc Boeing 777-200LR đã lập kỷ lục thế giới khi bay liên tục hơn 22 giờ, từ Hong Kong (Trung Quốc) đến London (Anh).
Đây cũng được đánh giá là một trong những dòng máy bay an toàn nhất thế giới, dựa trên số lần gặp tai nạn và tổng số giờ bay an toàn. Đến nay, trong lịch sử 19 năm hoạt động thương mại, Boeing 777 mới liên quan đến 11 sự cố và tai nạn hàng không, trong đó 4 vụ tai nạn gây phá hủy máy bay. Sự cố của Asiana Airlines năm ngoái là lần đầu tiên có thiệt hại về người.
Chiếc B777-200 gặp nạn hôm 17/7 của Malaysia Airlines được sản xuất tháng 7/1997 và đã có 17 năm hoạt động. Lần cuối máy bay này được kiểm tra, bảo dưỡng là ngày 11/7.
Khoảng 1.200 chiếc Boeing 777 đang được khai thác trên toàn thế giới, riêng Malaysia Airlines có 15 trong đó 2 chiếc đã gặp tai nạn. Dòng mới nhất của Boeing 777 có giá 261,5 triệu USD.
Trên USA Today, Robert Mann – chuyên gia tư vấn hàng không tại R.W. Mann & Co. cho biết lịch sử an toàn của máy bay này rất tốt. “Một máy bay phải hạ cánh khẩn tại London vì động cơ không hoạt động. Nguyên nhân là hệ thống nhiên liệu. Sau đó là tai nạn gãy đuôi của Asiana tại San Francisco năm ngoái. Hồi tháng 3 thì là MH370 của Malaysia Airlines. Tuy nhiên, không tai nạn nào trong số này là do lỗi của 777”, ông nói.
Chuyến bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines với 239 người trên khoang đã biến mất trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hôm 8/3. Đến nay, mọi nỗ lực trong cuộc tìm kiếm quốc tế đắt đỏ nhất thế giới vẫn chưa mang lại kết quả. Malaysia Airlines cho rằng máy bay này đã gặp nạn tại Ấn Độ Dương.
Trong trường hợp của British Airways năm 2008, máy bay của hãng phải hạ cánh khẩn do “hệ thống nhiên liệu của Rolls Royce bị đóng băng”, Mann cho biết. Còn tai nạn chuyến bay số hiệu 214 của Asiana Airlines năm ngoái khiến 3 người thiệt mạng được kết luận không tìm thấy lỗi kỹ thuật.
“Đây là dòng máy bay vượt trội với lịch sử an toàn hàng không xuất sắc. Boeing cũng vừa ra mắt phiên bản mới và nhận được phản hồi rất tốt. Tôi không có lo ngại nào về độ an toàn của máy bay này. Nhưng dĩ nhiên, đây là máy bay dân sự, và nó không được thiết kế để chống tên lửa”, George Hamlin tại hãng tư vấn Hamlin Transportation cho biết.
Richard Aboulafia – Phó giám đốc phân tích hãng Teal Group cũng nhận xét: “Đây là dòng máy bay quốc tế tốt nhất từng được tạo ra và vẫn có lý lịch hoàn hảo sau gần 20 năm. Nó thường được sử dụng trong các chuyến bay quốc tế và đã thiết lập tiêu chuẩn mới cho an toàn hàng không xuyên quốc gia”.
<
Theo SKDS