– Ung thư niêm mạc tử cung là khối u ác tính từ niêm mạc tử cung. Ung thư niêm mạc tử cung hiếm hơn ung thư cổ tử cung ( tỷ lệ 1/9).
– Thường gặp ở phụ nữ đã mãn kinh ( có khoảng 15% gặp ở phụ nữ chưa mãn kinh)
– Không lan nhanh sang 2 bên dây chằng rộng, vì vậy tiên lượng tốt hơn ung thư cổ tử cung.
Nguyên nhân và các yếu tố thuận lợi
Hiện tại khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân của ung thư nội mạc tử cung. Các yếu tố nguy cơ của ung thư nội mạc tử cung gồm:
– Nổi bật là tuổi tác (thường là những phụ nữ trên 50 tuổi).
Ảnh minh họa: Nguồn internet
– Điều trị nội tiết tố thay thế: Đây là phương pháp điều trị để chống loãng xương, điều chỉnh các rối loạn do mãn kinh, phòng một số bệnh tim mạch. Các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này với liều cao trong một thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung.
– Rụng trứng không đều, dậy thì sớm, mãn kinh muộn, vô sinh tăng nguy cơ nhẹ.
– Béo phì làm tăng cường chuyển hoá Androstenedio ở tổ chức mỡ dưới da gây cường Estrogen là yếu tố nguy cơ quan trọng.
– Viên thuốc tránh Estrogen trước và Progestin sau, dùng Estrogen thay thế sau mãn kinh đều làm tăng nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung.
– Tiền sử gia đình có người bị ung thư niêm mạc tử cung cũng là một yếu tố nguy cơ.
Triệu chứng
Triệu chứng cơ năng
– Rong huyết sau mãn kinh, số lượng ít, máu đen. Ra máu bất thường, xuất hiện trong vài ngày rồi tự cầm. Có thể nhiều khí hư, màu hồng, lẫn mủ hoặc máu, mùi hôi.
– Đau bụng: Do tử cung co bóp đẩy dịch hoặc máu trong tử cung, đau theo cơn. Khi ung thư lan tràn vào tổ chức dây chằng và các bộ phận khác ở hố chậu đau bụng nhiều.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Triệu chứng thực thể
– Thấy máu trong buồng tử cung chảy ra. Giai đoạn đầu tử cung bình thường. Khi bệnh đã tiến triển tử cung to, mềm, không đau, di động. Phần phụ, cổ tử cung bình thường.
– Siêu âm có thể thấy niêm mạc tử cung hình răng cưa.
Sau khi đã chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung, bác sỹ cần phải đánh giá xem giai đoạn bệnh để có thể lập kế hoạch điều trị. Đây là quá trình xem xét cẩn thận xem bệnh có lan tràn đến cơ quan khác hay không, và nếu có thì là cơ quan nào. Bác sỹ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp phim X quang, soi trực tràng…
Bệnh được chia làm 4 giai đoạn tuỳ thuộc vào mức độ lan tràn của tế bào ung thư.
Điều trị
Phẫu thuật
Là phương pháp điều trị chủ yếu. Cắt tử cung hoàn toàn và 2 phần phụ qua đường bụng. Một số tác giả chủ trương cắt tử cung rộng và vét hết hạch.
Tia xạ
– Thường tia xạ tại chỗ mỏm cắt ( sau mổ) để dự phòng tái phát khi ung thư đã lan vào cơ.
– Tia xạ tiểu khung bằng Cobalt 60 khi lan tới hạch tiểu khung.
– Tia xạ có thể hạn chế tái phát tại chỗ ở vùng tiểu khung, nhưng không kéo dài được cuộc sống cho người bệnh.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Hoá liệu pháp
– Không dùng cho bệnh nhân > 70 tuổi. Chỉ dùng cho bệnh nhân ít tuổi hơn,có tái phát có di căn. Tỷ lệ đáp ứng tốt khoảng 30%.
– Mỗi một giai đoạn có những hướng điều trị khác nhau, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị theo từng giai đoạn do bác sĩ chỉ định
Điều trị nội tiết: Là phương pháp dùng các thuốc để ngăn chặn các tế bào ung thư tiếp xúc với các nội tiết tố mà chúng cần có để phát triển.
– Trước khi điều trị nội tiết, bác sỹ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm về nội tiết để biết được bệnh nhân có khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị này hay không.
– Đây là phương pháp điều trị toàn thân. Thuốc thường dùng có tên là progesteron, dạng viên. Điều trị nội tiết có thể được chỉ định cho những bệnh nhân không mổ được, đã di căn hoặc tái phát sau điều trị.
Theo dõi sau điều trị
– Dùng Progestin nếu có quá sản niêm mạc tử cung, rối loạn rụng trứng 70% tái phát trong 2 năm đầu, 70% tái phát trong âm đạo và tiểu khung, 80% tái phát tiểu khung có di căn ở phổi, xương, bụng gan.
– Theo dõi sau mổ 3 tháng một lần trong 3 năm đầu, 6 tháng một lần trong 2 năm sau, còn lại một năm 1 lần.
– Theo dõi thể trạng chung, cân nặng, khám toàn thân, âm đạo tiểu khung.
– Chụp phổi 1 năm 1 lần trong 5 năm đầu, siêu âm 3 tháng sau mổ, siêu âm tiểu khung hàng năm, chụp vú 2 năm 1 lần. Định lượng CA 125 hàng năm.
Phòng bệnh
Hầu hết các trường hợp ung thư niêm mạc tử cung không ngăn ngừa được, nhưng có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bởi các yếu tố:
– Điều trị hormon với progestin theo chỉ định của bác sĩ
– Sử dụng thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ ung thư niêm mạc tử cung
– Giảm béo phì, ăn uống nhiều chất xơ và hoa quả
– Luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe.
– Đi khám sức khỏe định kỳ từ 3- 6 tháng/ lần
Ung thư niêm mạc tử cung hầu như luôn được điều trị thành công nếu phát hiện sớm. Tùy vào giai đoạn sẽ có phác đồ điều trị khác nhau giúp kéo dài sự sống cho người bệnh. Tuy bệnh thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, nhưng bất kỳ những trường hợp xuất huyết âm đạo bất thường đều cần đi khám và kiểm tra sớm. Ung thư nội mạc tử cung giai đoạn cuối tỉ lệ sống 5 năm đạt 25%-35%, tỉ lệ tái phát của bệnh ung thư nội mạc tử cung là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân.
Theo NTD