Khoảng 70% trường hợp chảy máu ở thiếu nữ là do hoạt động nội tiết kém, chức năng phóng noãn chưa hoạt động tốt chứ không phải do tổn thương hoặc có một bệnh thực thể nào. Những em gái ở tuổi vị thành niên sớm (10-13) có thể bị ra máu từng đợt, kèm theo đau bụng và đôi khi ra máu rất nhiều.
Những kiểu chảy máu này thường bị gọi nhầm là “băng kinh”, nhiều khi khiến thầy thuốc phải bó tay. Họ chờ nó qua đi theo thời gian vì không muốn chỉ định thuốc tránh thai để điều hòa. Nếu bị thiếu máu, mệt mỏi, chóng mặt, người bệnh cần được đánh giá toàn diện và nếu điều trị thích hợp sẽ nhanh chóng phục hồi.
Trong các trường hợp trên, chức năng phóng noãn chưa hoàn chỉnh, gây mất cân bằng về hoóc môn sinh dục: Trong nửa đầu của chu kỳ kinh, sự bài tiết oestrogen là bình thường nhưng do phóng noãn không tốt nên cơ thể không bài tiết đủ hoặc không có progesterone. Sự mất cân bằng này khiến niêm mạc tử cung phát triển mạnh, khi bong (sau 30-60 ngày) thì gây chảy máu nhiều. Muốn biết sự phóng noãn có tốt không, chỉ cần theo dõi biểu đồ nhiệt độ của chu kỳ (có thay đổi nhiệt độ vào ngày phóng noãn) và làm xét nghiệm máu (vừa để định lượng hoóc môn vừa để phát hiện tình trạng thiếu máu).
Cũng có đôi khi việc ra máu bất thường giữa chu kỳ kinh nhưng đó chỉ là cơ năng
Ra máu lúc rụng trứng: Đó là ra máu rất ít từ 1 – 3 ngày giữa kỳ kinh. Người bệnh than phiền bị hành kinh 15 ngày một lần, lượng máu không nhiều, ít hơn kinh nguyệt bình thường và không có nhội chứng trước kinh. Ra máu lúc rụng trứng là do tụt hàm lượng estrogen khi vỡ nang trứng, trước khi hình thành hoàng thể (phần còn lại sau khi trứng được giải phóng). Triệu chứng này đôi khi không đáng kể, không cần điều trị. Trong trường hợp ra máu nhiều thầy thuốc có thể chỉ định dùng estrogen (nội tiết tố nữ) thay thể từ ngày thứ 10 – 16 của vòng kinh. Nếu người bệnh muốn tránh thai chỉ định dùng viên tránh thai kết hợp.
Ra máu lúc gần có kinh: Đó là máu mầu nâu, lượng ít, ra ở ngày thứ 24 đến ngày thứ 28 của vòng kinh trước khi hành kinh, với lượng máu nhiều hơn và đỏ. Ra máu kiều này là do hoàng thể yếu hay thời gian tồn tại của hoàng thể ngắn. Sinh thiết niêm mạc tử cung thấy không có tác dụng tốt của hormon, tuyến và chất đệm phát triển không đầy đủ. Điều trị là bổ sung nội tiết từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 25 của vòng kinh, trong 3 hay 4 chu kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu vẫn còn ra máu sau khi đã điều trị đúng phương pháp thì phải nghĩ đến nguyên nhân thực thể đã bị bỏ qua, làm thêm các thăm dò cần thiết.
Những hiện tượng ra máu giữa kỳ kinh.
Theo NTD