Cúm khi mang thai.

0
39
Bị cúm khi đang mang thai là một trong những nỗi lo sợ nhất của các bà bầu. Virus của dịch cúm không chỉ khiến thai nhi có nguy cơ bị dị hình, mà khi sốt cao cộng với độc tính của virus cũng có thể kích thích co bóp tử cung gây nên hiện tượng sảy thai hoặc sinh sớm.

 

Bệnh cúm là gì?

 

Bệnh cúm (Influenza/flu) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ gây thành dịch lớn do nhiễm virus cúm. Biểu hiện lâm sàng là: nhức đầu, đau toàn thân, sốt, ho và mệt mỏi. Bệnh ảnh hưởng lên đường hô hấp trên và dưới. Thông thường bệnh tự khỏi sau từ 3-7 ngày. Nhưng có chủng loại có thể gây biến chứng nặng, nguy hiểm nhất là viêm phổi do vi khuẩn và suy đa tạng.

 

Các chủng loại virus cúm và sự nguy hiểm

 

Virut cúm (Influenza virus) là thành viên họ Orthomyxoviridae. Cúm ở người có 3 chủng: A, B và C, nhưng gây đại dịch lớn trên thế giới chủ yếu là cúm A virus cúm (Influenza A virus). Virut cúm A được chia thành nhiều phân týp dựa trên kháng nguyên bề mặt ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Vật chủ mang mầm bệnh là: người, heo, chim, ngựa.

 

Loại cúm B (chủng Influenza B virus). Vật chủ mang mầm bệnh là người và hải cẩu.

 

Cúm C (chủng Influenza C virus). Vật chủ mang mầm bệnh là:  người, heo.

 

cúm khi mang thai, bệnh truyền nhiễm, vius cúm, chủng loại virus cúm, sốt, vacxin phòng cúm, bệnh lây truyền, đường hô hấp

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Trong khi cúm B và C chỉ có một chủng, thì cúm A được phân thành nhiều chủng. Người ta đã tìm thấy 16 loại kháng nguyên H (từ H1 đến H16) và 9 kháng nguyên N (từ N1 đến N9). Nghĩa là có tất cả 144 tập hợp các loại virus cúm A. Trong đó, những chủng có thể  gây bệnh cho người, gồm: H1-H2-H3-H7 và N1-N2-N9.

 

Trong các chủng cúm thì các chủng cúm A, điển hình là H1N1, H5N1 và H7N9 là nguy hiểm nhất đối với con người, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Thai phụ khi mang thai bị mắc các chủng cúm cúm này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, dụng cụ có dính virus.

 

Triệu chứng khi mắc cúm

 

Bệnh cúm có nhiều thể lâm sàng, thể thường gặp sau thời gian nung bệnh ngắn (khoảng 1 ngày), bệnh khởi phát rất đột ngột với các biểu hiện sốt, rét run nhiều lần trong ngày, thân nhiệt tǎng lên 39-40 0C ngay ngày đầu, kéo dài 3-5 ngày kèm theo mệt mỏi, đau nhức toàn thân, đau đầu, đau các cơ xương khớp, chân tay rã rời, da khô nóng, mặt bừng bừng, mắt chói, chảy nước mắt, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, có khi ho tức ngực, khạc đờm hoặc chảy máu cam, miệng đắng, buồn nôn, táo bón. Sau đó nhiệt độ giảm dần, các triệu chứng toàn thân giảm dần trong 5-7 ngày. Một số bệnh nhân cao tuổi hay bị mệt nhược kéo dài, sự bình phục chậm.

 

Cúm rất dễ bị nhầm với bệnh cảm thông thường, tuy nhiên bệnh cúm diễn biến nặng hơn so với cảm lạnh và viêm đường hô hấp thông thường, và các triệu chứng cũng mạnh hơn. Cảm lạnh do một số siêu vi thông thường gây ra những triệu chứng bệnh nhẹ đến trung bình như: hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt nhẹ… Trong khi đó, cúm lại do virus Influenzae gây ra, khi mắc cúm, người bệnh thường sốt cao, ớn lạnh, cơ thể đau nhức, kèm theo những triệu chứng của viêm đường hô hấp.

 

cúm khi mang thai, bệnh truyền nhiễm, vius cúm, chủng loại virus cúm, sốt, vacxin phòng cúm, bệnh lây truyền, đường hô hấp

 

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

Ảnh hưởng của cúm đến mẹ và thai nhi

 

Virut cúm có ảnh hưởng trực tiếp đến thai phụ đó là làm cho nhiệt độ cơ thể thai phụ tăng lên nhanh chóng gây sốt, sổ mũi, rát họng…, đặc biệt chúng còn làm rối loạn sự trao đổi chất sinh ra độc tố, có ảnh hưởng gián tiếp đến thai nhi. Nguy hiểm hơn chúng có thể thông qua nhau thai, xâm nhập vào cơ thể thai nhi, gây nên bệnh tim bẩm sinh, bệnh sứt môi, não tụ huyết, không có não và dị dạng đầu nhỏ. Sốt cao và độc tố còn kích thích tử cung thai phụ co bóp, gây sảy thai hoặc sinh non. Những trẻ sinh non do người mẹ mắc cúm thường khó bảo toàn được tính mạng.

 

Thai phụ mắc cúm trong giai đoạn mang thai từ khi bắt đầu mang thai đến tuần thai thứ 12 thường ảnh hưởng nhiều nhất đến thai, giai đoạn này có thể gây ra sảy thai, thai nhi dị dạng hoặc tim bẩm sinh.

 

Thai phụ mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thai thứ 12 đến 25 ít ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi hơn các giai đoạn khác.

 

Thai phụ mắc cúm trong giai đoạn từ tuần thứ 25 trở đi thì cần đề phòng sinh non.

 

Xử trí cúm khi mang thai

 

Nếu bị mắc cúm thì cần nghỉ ngơi để theo dõi, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng. Nếu sốt nhẹ dưới 38 độ thai phụ có thể nghỉ ngơi, bổ sung nhiều vitamin C. Để hạ nhiệt, thai phụ có thể dùng khăn mát trườm trán hoặc dùng Ethanol 40% để xoa vào cổ và 2 bên nách. Có thể áp dụng một số thực phẩm sau để cải thiện:

 

– Dùng tỏi trị cảm cúm: Tỏi chưa chế biến có tác dụng chống nấm, chống vi khuẩn và vi-rút. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi có thể làm tăng nhanh tốc độ phục hồi sức khỏe sau cúm và tăng sức đề kháng, rất an toàn với phụ nữ mang thai.

 

cúm khi mang thai, bệnh truyền nhiễm, vius cúm, chủng loại virus cúm, sốt, vacxin phòng cúm, bệnh lây truyền, đường hô hấp

Ảnh minh họa: Nguồn Internet

 

Sử dụng nước chanh mật ong: Thai phụ bị cảm cúm nên uống một cốc nước ấm pha nửa quả chanh và mật ong có tác dụng giảm đau rát cổ họng và giảm dịch nhầy.

 

– Sử dụng nước muối pha loãng để súc miệng mỗi ngày giữ cho khoang miệng sạch sẽ, kết hợp với rửa mũi bằng nước muối sinh lý để ngăn chặn sự sinh sôi của vi khuẩn gây viêm ở đường hô hấp.

 

Thai phụ cần theo dõi sức khỏe, nếu sốt cao đặc biệt là trên 39 độ hoặc sốt nhẹ kéo dài quá 3 ngày thì cần đến bệnh viện khám và điều trị. Sau thời gian mắc cúm, thai phụ cần kịp thời đi kiểm tra để theo dõi sức khỏe thai nhi và nhận được sự tư vấn của bác sỹ.

 

Phòng ngừa

 

Tiêm vacxin phòng cúm và Rubella trước khi mang thai là biện pháp hiệu quả nhất để phòng mắc cúm trong thời gian mang thai.

 

Để tránh nhiễm cúm khi mang thai bà mẹ cần tăng cường ăn các loại rau quả có chứa vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tránh đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với người mắc cúm, trang bị quần áo, khăn, khẩu trang, mũ… cẩn thận khi đi ra ngoài, cần để ý đến sự thay đổi của thời tiết để có sự chuẩn bị tốt nhất.

 

Khi đang mang bầu, việc dùng thuốc trị bệnh lại không được thoải mái và dễ dàng như bình thường bởi hầu hết các thuốc đều có thể gây hại cho cả mẹ và con cũng như quá trình mang thai. Có nhiều thuốc kháng sinh được khuyến cáo là an toàn cho thai kỳ nhưng một số khác thì không. Do vậy khi có triệu chứng của cúm, sốt cao thì thai phụ nên sớm đi gặp bác sĩ để được điều trị.

Theo NTD

Cúm khi mang thai.

 

Theo NTD