Khổ qua rừng chế biến món ăn dùng quả, lá, đọt non làm rau xào, ăn sống, luộc, nấu canh, nhất là ăn kèm với lẩu, đặc biệt hơn cả là món lẩu cua đồng.
Khổ qua rừng hay còn gọi là mướp đắng, mướp mủ, cẩm lệ chi. Có tên khoa học là Momordica Charantia. Chi của khoảng 60 loài dây leo thân thảo sống hàng năm, chu kỳ sống 3-4 tháng, thuộc họ bầu bí. Thân có cạnh, dây có thể bò 2-3 mét. Lá mọc so le,dài 5-10 cm, rộng 4-8cm, phiến lá chia làm 5-7 thùy, hình trứng, mép khía răng.
Gân lá có lông ngắn. Hoa đực và hoa cái mọc riêng ở nách lá, có cuống dài. Cánh hoa màu vàng. Quả hình thoi, bằng ngón tay cái, lớn nhất bằng ngón chân cái người lớn, mặt ngoài có nhiều u lồi. Quả chưa chín có mầu xanh, khi chín mầu vàng.
Rau khổ qua, bún, lẩu cua đồng
Khổ qua rừng mọc hoang dại tự nhiên, phổ biến ở các vùng miền núi và trung du, rừng thưa, ở nước ta rau mọc nhiều nhất ở vùng miền Đông Nam Bộ trên đất nương rẫy mới đốt dọn. Ngày nay người ta đã nhân giống và trồng được ở nhiều nơi. So với khổ qua nhà, lá cũng như quả nhỏ hơn và vị cũng đắng hơn rất nhiều.
Người dân thường hái lá non và đọt khổ qua rừng để chế biến món ăn, tuy hơi đắng nhưng có dược tính cao hơn khổ qua thường, cũng là loại đắng nhất trong các loại rau quả, có vị đắng đặc trưng như cô đọng từng chút “tinh túy” của “đất trời”, dư vị ngọt và thơm, thanh đậm trong miệng rất khó quên.
Khi chế biến bạn có thể giảm bớt vị đắng của khổ qua bằng cách bóp muối và rửa trước khi nấu. Nhưng nhiều người vẫn thích vị đắng nguyên thủy của khổ qua rừng.
Khổ qua rừng
Trong khổ qua có một số hợp chất có hoạt tính sinh học, chủ yếu làmomordicin I và II, cucurbitacin B, giúp nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, làm tế bào miễn dịch, toàn thân rễ, lá, quả khổ qua rừng đều dùng làm vị thuốc là những bài thuốc cổ phương được lưu truyền qua các thế kỷ bằng sự ghi chép, truyền miệng.
Khổ qua rừng dùng làm rau hoặc nấu nước uống có tính hàn, tác dụng giải nhiệt, bổ huyết, bổ gan, giải độc, chống lão hóa và phòng ngừa các bệnh tim mạch, huyết áp, tổn thương thần kinh, giảm lượng đường trong máu, ổn định đường huyết nên rất thích hợp với người bị bệnh tiểu đường, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn ngừa không cho chúng nhân ra… Dây và lá khổ qua nấu nước tắm trị rôm sảy cho trẻ em rất hay.
Trái khổ qua rừng
Trong Y học dân gian và Y học cổ truyền, các bộ phận của dây khổ qua rừng từ lá, dây, quả và cả hạt đều có nhiều công dụng dược liệu để chữa nhiều bệnh khác nhau. Dây và lá khổ qua tươi đem nấu hoặc giã lấy nước để uống hằng ngày, hay chặt khúc ngắn 3-4 cm, đem phơi khô cất dành sang mùa nắng hiếm lá tươi đem ra nấu nước uống giải khát thường xuyên thay nước trà, nước lọc.
Khổ qua rừng có tác dụng ngừa thai nên phụ nữ đang mang thai kỳ hoặc muốn có con không nên dùng. Phụ nữ muốn giảm cân uống hoặc ăn khổ qua rừng thường xuyên tác dụng tiêu hao lượng mỡ khá hiệu quả và ức chế sự thèm ăn.
Thời gian gần đây khổ qua rừng là món đặc sản trong thực đơn các nhà hàng, hiện là “mốt mới” pha trộn giữa ẩm thực dân dã và cao cấp trong các nhà hàng và quán ăn, ăn khổ qua rừng không phải lo nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, không có phân bón và thuốc hóa học.
Cua đồng
Khổ qua rừng do sống trong tự nhiên, nên là loại rau sạch tinh khiết và có giá trị dược liệu mạnh hơn khổ qua trồng. Giá khổ qua rừng khá đắt do khan hiếm mà còn khó kiếm.
Chế biến món ăn dùng quả, lá, đọt non làm rau xào, ăn sống, luộc, nấu canh, nhất là ăn kèm với lẩu, đặc biệt hơn cả là món lẩu cua đồng, qua thử nghiệm có thể ăn lẩu cua đồng với nhiều loại rau, nhưng không có loại rau nào thích hợp và ngon bằng rau khổ qua rừng.
Cua đồng là thực phẩm tự nhiên, nguyên liệu dân dã, nhưng lại nấu được nhiều món ăn vừa hấp dẫn, ngon miệng và lại rất bổ dưỡng. Lẩu cua đồng đậm đà hương vị quê nhà. Cua mua về ngâm trong nước bỏ thêm vài thìa cà phê muối cho cua lội khoảng 15 phút, rồi rửa nước nhiều lần cho sạch bùn đất, bóc mai và yếm, để róc nước.
Lấy gạch cua để riêng vào một chén nhỏ. Cho cua và nước vào cối xay sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy nước cua bằng vải thưa. Bỏ xác cua và thực hiện các bước sau:
Lẩu cua đồng
– 200g Thịt cá thác lác băm nhuyễn ướp tý gia vị cho thơm rồi viên nhỏ .
– Cho dầu ăn vào chảo, bắc lên bếp đợi nóng lên, cho củ hành tím xắt nhỏ vào phi vàng, cho cà chua cắt lát vào xào chín với chút gia vị, sau đó cho gạch cua vào đảo cùng đến khi gạch cua tan.
Cho nước cua vào xoong, thêm 1 thìa cà phê mắm tôm dùng đũa khuấy đều lên một lượt, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi nấu sôi, cho cá thác lác viên sẵn vào hoặc tùy thích có thể cho thêm thịt bò, hải sản, đậu hũ chiên… và quan trọng nhất là rau khổ qua rừng nhúng vào lẩu ăn kèm với bún, sẽ cho bạn cảm giác ngon và lạ miệng hơn hẳn các sơn hào hải vị, mang đậm tính chất hương vị của miền quê, khi đã thưởng thức rồi rất khó mà quên được.
Là loại lá rừng, chỉ mọc trong mùa mưa nhưng do nhu cầu cung ứng trên thị trường cao, các nhà hàng luôn muốn thay đổi khẩu vị cho khách, nhờ đó khổ qua rừng ở quê tôi bỗng “lên ngôi” trong hàng rau sạch, lại bán được giá hơn các loại rau địa phương. Rau khổ qua rừng hái từ tự nhiên hiện nay cung không đủ đáp ứng cầu.
Quy trình trồng và chăm sóc khổ qua rừng khá đơn giản nên một số nông dân đã mạnh dạn đầu tư và đã nhân giống khổ qua rừng để trồng ở vườn nhà, cho thu nhập cũng khá ổn định, đến nay thì lá khổ qua rừng quê tôi luôn có quanh năm, khi nào thực khách cần cũng đều có thể đáp ứng được loại rau sạch này và tuyệt đối rất an toàn cho người tiêu dùng.
Loại rau này rất dễ trồng, chỉ cần gieo hạt, tưới nước 1 lần trong ngày là được, vài tháng sau là dây mọc đầy cả hàng rào tha hồ thu hoạch, vừa có rau ăn thường xuyên vừa có thêm thu nhập.
Cuộc sống quanh ta luôn tạo ra rất nhiều điều thú vị, mà ở đó đôi khi ta lại chưa kịp khám phá ra.
Danviet.vn